Toàn cảnh kinh tế Việt Nam trong tháng đầu tiên năm 2024
Kinhtetrithuc.vn – Trong tháng Một năm 2024, cả nước có gần 13,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (gấp 2,2 lần so với tháng 12/2023 và giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 01/2024 lên hơn 27,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tại Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 1/2024, Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng Một năm 2024, cả nước có 13,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 151,5 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký hơn 103,4 nghìn lao động, tăng 2,2% về số doanh nghiệp, giảm 2,3% về vốn đăng ký và tăng 31,8% về số lao động so với tháng 12/2023. So với cùng kỳ năm trước, tăng 24,8% về số doanh nghiệp, tăng 52,8% về số vốn đăng ký và tăng 50,8% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 11,2 tỷ đồng, giảm 4,4% so với tháng trước và tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2023. Nếu tính cả 218,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 4,4 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng Một là 370,1 nghìn tỷ đồng, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, cả nước có gần 13,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (gấp 2,2 lần so với tháng 12/2023 và giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 01/2024 lên hơn 27,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, hoạt động đầu tư trong tháng Một tập trung thực hiện việc phân khai kế hoạch vốn năm 2024 cho các dự án, công trình mới được bố trí vốn đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư nên khối lượng thực hiện chủ yếu tại các công trình chuyển tiếp. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 4,4% so với kế hoạch năm và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tháng 01/2024 đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/01/2024 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 01/2024 ước đạt 31,1 nghìn tỷ đồng, bằng 4,4% kế hoạch năm và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 bằng 3,8% và tăng 5,6%).
Liên quan đến thu, chi ngân sách Nhà nước, Tổng cục Thống kê cho biết, trong 15 ngày đầu tháng Một năm 2024, các hoạt động sản xuất kinh doanh chưa đến kỳ kê khai nộp thuế nên ước tính thu ngân sách Nhà nước đạt 2,6% dự toán năm. Chi ngân sách Nhà nước đáp ứng kịp thời nhu cầu chi cho hoạt động của bộ máy Nhà nước, chi trả kịp thời các khoản lương, lương hưu, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội để người dân yên tâm đón Tết.
Về xuất nhập khẩu hàng hóa, Tổng cục Thống kê cũng cho hay, trong kỳ 1 tháng 01/2024 (từ ngày 01/01 đến hết ngày 15/01/2024), tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 29,78 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 4,1%; nhập khẩu tăng 6,8%; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 0,38 tỷ USD.
Ngoài ra, một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2024 tăng 0,31% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2023, CPI tháng Một tăng 3,37%; lạm phát cơ bản tháng 01/2024 tăng 2,72%.
Lạm phát cơ bản tháng 01/2024 tăng 0,21% so với tháng trước, tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,37%) chủ yếu do giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.
Theo VnMedia
Xem thêm: