TP.HCM tăng cường nâng cao kiểm soát chuỗi lây nhiễm HIV

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), nhận định trong bối cảnh mới, TP.HCM đối mặt nhiều thách thức. Trong đó, kiểm soát và chấm dứt chuỗi lây nhiễm HIV cấp là ưu tiên quan trọng.

3 bước để kiểm soát chuỗi lây nhiễm HIV cấp

Tháng 12/1990, trường hợp đầu tiên nhiễm HIV tại Việt Nam được phát hiện tại TP.HCM, khởi đầu cho cuộc chiến liên tục và không ngừng nghỉ chống lại đại dịch AIDS trong suốt 30 năm. Trong bối cảnh mới, việc kiểm soát chuỗi lây nhiễm HIV tương tự truy vết ca bệnh Covid-19, nghĩa là tìm kiếm F1, F2 từ nguồn xác định F0.

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, vấn đề thách thức hiện nay trong việc cắt đứt chuỗi lây nhiễm HIV là việc phát hiện người có tải lượng virus cao nhưng bản thân họ không hay biết.

“Điều này khiến họ tiếp tục tiếp tục, có hành vi lây nhiễm HIV cho bạn tình, bạn chích, trở thành nguồn lây nhiễm HIV cấp (F0) trong cộng đồng. Do đó, nếu không can thiệp đúng đối tượng, chúng ta sẽ phải day dưa mãi không kiểm soát được đại dịch”, ông Dũng lo ngại.

TP.HCM nâng cao kiểm soát chuỗi lây nhiễm HIV  - kinhtetrithuc.vn
Xét nghiệm chẩn đoán nhiễm cấp và nhiễm mới HIV là ưu tiên quan trọng. Ảnh: Times.

Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, việc kiểm soát chuỗi lây nhiễm HIV cấp được thực hiện thông qua mở rộng xét nghiệm, truy vết bạn tình, bạn chích và cuối cùng là điều trị ARV cho bệnh nhân, người chưa nhiễm để cắt đứt chuỗi lây truyền.

“Khái niệm truy vết chúng ta được biết đến rộng rãi khi dịch Covid-19 xuất hiện. Thực tế, khái niệm này đã được áp dụng từ lâu. Tương tự Covid-19, với HIV, việc kiểm soát chuỗi lây truyền bắt đầu từ xét nghiệm, phát hiện F0, sau đó truy vết các trường hợp F1, F2 đến khi kết thúc chuỗi lây truyền”, bác sĩ Dũng cho biết thêm.

Các nghiên cứu cho thấy 50% trường hợp mắc HIV xảy ra trong 12 tháng đầu tiên sau nhiễm. Nồng độ virus ở giai đoạn này được xem là cao nhất nên mức độ lây nhiễm cao gấp 26 lần so với giai đoạn sau.

HCDC triển khai xét nghiệm chẩn đoán nhiễm cấp và nhiễm mới HIV thông qua xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể. Khi xét nghiệm sàng lọc nghi ngờ HIV dương tính, mẫu máu được chuyển đến phòng xét nghiệm đủ điều kiện để chạy PCR và xét nghiệm tải lượng virus. Kết hợp thông tin lâm sàng, cơ sở y tế sẽ kết luận trường hợp nhiễm mới hay nhiễm lâu.

Theo HCDC, việc tư vấn xét nghiệm cho bạn tình, bạn chích (F1) là một trong các hoạt động trọng tâm nhằm phát hiện người nhiễm mới HIV. Theo thống kê, tỷ lệ này cũng có kết quả dương tính với HIV là 20%. Tuy nhiên, việc tăng cường xét nghiệm bạn tình, bạn chích của người nhiễm còn hạn chế. Trong hơn 6.800 người nhiễm HIV (gồm người nhiễm mới và người điều trị ARV dưới 6 tháng có tải lượng virus cao), chỉ 2.500 người (37%) được nhân viên y tế tư vấn xét nghiệm cho bạn tình, bạn chích.

Sau khi xác định được chuỗi lây truyền F0 và F1, ngành y tế tiến hành điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV và dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) để cắt đứt chuỗi lây nhiễm.

TP.HCM sẽ tập trung vào nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới

Chia sẻ bên lề hội nghị tổng kết “Hành trình 30 năm phòng, chống HIV.AIDS và cơ hội kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030”, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết ước tính TP.HCM có khoảng 5.000 người nhiễm HIV chưa được phát hiện trong cộng đồng, trong đó, khoảng 30% là người tải lượng virus cao.

Nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 50-60% ca nhiễm HIV mới mỗi năm. Ảnh: Flickr

Kết quả triển khai xét nghiệm tại thành phố cho thấy khoảng 22% người phát hiện nhiễm HIV là nhiễm mới trong vòng 6 tháng. Trong đó, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm 84%, chủ yếu thuộc giới trẻ. Đây là nguy cơ bùng phát dịch cấp tính trong cộng đồng do phần lớn những người này khó tiếp cận, có vị trí xã hội, nhiều thành phần, yêu cầu bảo mật cao.

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết thời gian tới, TP.HCM sẽ tập trung vào 30% nhóm người nhiễm có tải lượng virus cao mà chủ yếu là nhóm MSM. Bởi nếu không giải quyết triệt để nguồn lây nhiễm này, nguy cơ đại dịch lây lan và bùng phát trong cộng đồng rất cao.

“HIV có thể được xem như bệnh mạn tính và điều trị lâu dài, tuy nhiên, sự lây nhiễm của HIV là lây nhiễm cấp tính. Do đó, đòi hỏi ngành y tế phải truy vết được F1 là bạn tình, bạn chích để tư vấn, xét nghiệm. Nếu dương tính với HIV, chúng ta lại tiếp tục truy vết các F1 tiếp theo để tìm người nhiễm mới. Hiện tỷ lệ nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ sang con được kiểm soát tốt thông qua việc quản lý bà mẹ nhiễm virus. Vấn đề đáng lo ngại nhất là trường hợp nhiễm mới ở nhóm MSM”, ông Hưng bày tỏ lo ngại.

TP.HCM đã kiểm soát đại dịch HIV, nhưng tỷ lệ lây nhiễm trong các nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và nhóm chuyển giới có xu hướng tăng. Người nhiễm HIV mới chủ yếu tập trung trên nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Tệ nạn ma túy vẫn còn phức tạp do hiện nay chủ yếu sử dụng ma túy tổng hợp, tệ nạn mại dâm có xu hướng tiếp tục phát triển và biến tướng.

Theo Zing