Trung Quốc nối lại tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ

Nhiều tín hiệu cho thấy Trung Quốc đang muốn trở lại tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ sau nhiều năm dang dở.

Một liên doanh mới có tên Dịch vụ Cổng Thông tin Tài chính vừa được đăng ký tại Bắc Kinh vào ngày 16/1, với 12 triệu USD vốn thành lập. Trong đó, cổ đông chính là Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT), nắm 55% vốn thông qua một công ty con ở Hong Kong.

Trung tâm thanh toán bù trừ quốc gia Trung Quốc, thuộc sở hữu của ngân hàng trung ương (PBOC), sở hữu 34%. Các cổ đông còn lại gồm Hệ thống Thanh toán và bù trừ liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc, sở hữu 5%; Hiệp hội thanh toán và bù trừ Trung Quốc và Viện nghiên cứu tiền kỹ thuật số thuộc PBOC sở hữu 3%.

Giới quan sát cho rằng, một liên doanh giữa hệ thống thông tin thanh toán điện tử lớn nhất thế giới và bộ chịu trách nhiệm về tiền tệ điện tử của Trung Quốc được coi là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách đưa đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sử dụng toàn cầu, hỗ trợ cho mong muốn quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.

Bởi lẽ, đang có những lời kêu gọi ngày càng tăng từ nội bộ Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh giảm bớt sự phụ thuộc vào USD, bằng cách tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ trên toàn cầu trong bối cảnh quan hệ với Mỹ đang xấu đi.

Trung Quốc nối lại tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ kinhtetrithuc.vn

Vẫn chưa rõ phạm vi hoạt động của liên doanh này. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, cú bắt tay của SWIFT với các tổ chức thanh toán của Trung Quốc có thể hỗ trợ cho sự phát triển của đồng nhân dân tệ điện tử, góp phần vào nỗ lực của nước này khi cạnh tranh với Mỹ như một cường quốc kinh tế toàn cầu.

Bình luận về hợp tác này với SCMP, SWIFT cho biết đã có mặt ở thị trường tài chính Trung Quốc trong hơn 30 năm. Vì vậy, khi cần thiết, tổ chức này cần thực hiện các điều chỉnh để tuân thủ theo quy định sở tại.

“Liên doanh là một cập nhật về việc tuân thủ quy định ở Trung Quốc, cho phép chúng tôi tiếp tục và củng cố các dịch vụ của mình”, đại diện công ty cho biết. Trong khi đó, PBOC không đưa ra bình luận.

Trước đây, hệ thống SWIFT đã tạo điều kiện cho Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính đối với các quốc gia, khiến họ không thể nhận thanh toán hàng xuất khẩu hoặc sở hữu tài sản bằng USD. Từng có những lo ngại rằng Mỹ có thể cắt Trung Quốc hoặc Hong Kong khỏi SWIFT, hồi chính quyền Trump muốn trừng phạt các động thái của nước này liên quan đến vấn đề Hong Kong.

“Đúng là Trung Quốc đang cố gắng phát triển một hệ thống thay thế cho SWIFT, nhưng từ góc độ thực tế, hệ thống đó luôn khó đạt được sức hút, nên dẫn đến việc ra đời liên doanh mới này”, Oriol Caudevilla, Nhà tư vấn quản lý và chiến lược tại AirHelp đánh giá. “Một trong những mục tiêu chính của liên doanh này là giúp quốc tế hóa đồng nhân dân tệ”, ông nói thêm.

Trung Quốc nối lại tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ kinhtetrithuc.vn 1

Theo các nhà phân tích, một khi sự phát triển của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đạt đến giai đoạn trưởng thành trong thị trường thanh toán nội địa, nó nên được mở rộng cho các khoản thanh toán xuyên biên giới để giúp tăng tính phổ biến của đồng nhân dân tệ trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, Benedicte Nolens, người đứng đầu Trung tâm Đổi mới của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế tại Hong Kong, cho biết tại Diễn đàn Tài chính Châu Á vào tháng trước rằng, một trong những thách thức chính với đồng tiền kỹ thuật số ở châu Á là việc triển khai mở rộng mạng lưới công nghệ có thể gặp nhiều phức tạp trong việc điều phối giữa các quốc gia. Bởi lẽ, mỗi nước có hệ thống tiền tệ khác nhau và mạng lưới thanh toán bù trừ khác nhau.

“Rất nhiều quốc gia có quyền kiểm soát vốn, không chỉ Trung Quốc, mà còn các nước châu Á khác”, Benedicte Nolens nói, “Bất kỳ giải pháp nào cũng có nghĩa là cơ sở hạ tầng phải nắm được quyền kiểm soát vốn và đáp ứng nhu cầu pháp lý và quy định của các quốc gia”.

Cho đến nay, Trung Quốc đã triển khai nhiều chương trình thử nghiệm đồng nhân dân tệ điện tử ở các thành phố Thâm Quyến, Tô Châu, Tân khu Hùng An và Thành Đô. Họ tung ra các bao lì xì chứa đồng nhân dân tệ điện tử, có thể dùng để chi tiêu tại các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng và cả trực tuyến.

Không có thời gian biểu chính thức cho việc ra mắt đồng nhân dân tệ điện tử, mặc dù PBOC được cho là đang nhắm đến việc phát hành nó trước khi bắt đầu Thế vận hội mùa đông, dự kiến diễn ra vào tháng 2/2022 tại Bắc Kinh.

Quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ đã tăng tốc trong giai đoạn 2010-2011, ban đầu được thúc đẩy bởi sự gia tăng nhanh chóng của thanh toán thương mại bằng đồng nhân dân tệ. Nhưng hoạt động này đã tạm dừng vào năm 2015, do áp lực dòng vốn chảy ra mạnh mẽ. Trung Quốc đành gia tăng các biện pháp kiểm soát vốn, khiến dòng chảy nhân dân tệ qua biên giới bị hạn chế và chậm lại việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong thương mại quốc tế.

Trung Quốc nối lại tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ kinhtetrithuc.vn 2

Tuy nhiên, Paul Mackel, Trưởng bộ phận nghiên cứu tiền tệ toàn cầu của HSBC, cho rằng các điều kiện hiện tại đã chín muồi để thúc đẩy thanh toán thương mại bằng đồng nhân dân tệ cũng như nối lại việc quốc tế hóa nó.

Vào tháng 8/2020, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo đồng nhân dân tệ điện tử sẽ được thử nghiệm ở một số khu vực mới, bao gồm cả Vịnh Lớn, khu vực gồm Hong Kong, Macau và 9 thành phố khác thuộc Trung Quốc.

Laurence Li Lu-jen, Chủ tịch Hội đồng Phát triển Dịch vụ Tài chính Hong Kong cho biết, với vai trò là một trung tâm tài chính quốc tế và là trung tâm nhân dân tệ ở ngoài đại lục lớn nhất thế giới, Hong Kong có vị trí đắc địa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng ra quốc tế của đồng nhân dân tệ điện tử, cho dù nơi đây có một hệ thống tiền tệ riêng biệt với Trung Quốc.

Theo SCMP