Văn hóa đọc đồng hành cùng đổi mới dạy học
Kinhtetrithuc.vn – Phát triển văn hóa đọc luôn là nhiệm vụ được khuyến khích trong các nhà trường.
Học sinh Trường Tiểu học – THCS Ngôi Sao Hà Nội thích thú đọc sách tại thư viện. Ảnh: NTCC |
Điều này càng cần thiết trước yêu cầu đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn.
Nhận diện khó khăn
“Văn hóa đọc” là một trong những dự án trọng điểm được triển khai đều đặn qua 5 năm học tại Trường Tiểu học – THCS Ngôi Sao Hà Nội. Nhà trường hợp tác cùng các chuyên gia của Dự án “Sách ơi mở ra” đến từ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội triển khai các tiết học này.
Học sinh được tiếp cận với “chiến lược đọc thông minh” trong tiết Văn hóa đọc, giúp nuôi dưỡng niềm vui, tình yêu với sách hằng ngày. Bên cạnh đó, thông qua các tiết “Viết sáng tạo”, học sinh được thể hiện suy nghĩ, nhìn nhận về thế giới xung quanh theo góc nhìn mới, kết nối mọi sự vật theo cách cảm nhận độc đáo của bản thân.
Trong mỗi năm học, nhà trường luôn cố gắng thực hiện nhiều đổi mới: Danh mục sách được cập nhật để bắt kịp với xu hướng đọc của toàn cầu với nhiều tác phẩm ấn tượng; tổ chức sân chơi thú vị dành cho cả gia đình (cuộc thi “Gia đình đọc sách phi thường”, ngày hội Sách Ngôi Sao Hà Nội,…); cải tạo và làm mới thư viện để mang đến cho học sinh không gian đọc sách ấm cúng, thân thiện…
Theo cô Lê Thanh Tâm – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Ngôi Sao Hà Nội, trong bối cảnh đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn, phát triển văn hóa đọc có ý nghĩa quan trọng:
Giúp học sinh phát triển tư duy phản biện, mở rộng vốn từ, cách diễn đạt, hỗ trợ cho việc viết và trình bày ý tưởng trong môn Ngữ văn/Tiếng Việt; nuôi dưỡng tình yêu văn học… Ý thức được điều đó nên chương trình Văn hóa đọc tại trường luôn được thiết kế, cập nhật hằng năm, phân cấp yêu cầu tuỳ thuộc lứa tuổi học sinh từ tiểu học (lớp 2) đến THCS. Việc thực hiện giảng dạy trên lớp cũng được giáo viên điều chỉnh phù hợp.
Tuy nhiên, cô Lê Thanh Tâm cũng chia sẻ, phát triển văn hóa đọc cho học sinh hiện gặp một số khó khăn nhất định. Đầu tiên là việc học tập và các hoạt động ngoại khóa khác chiếm phần lớn thời gian khiến các em khó dành đủ thời gian để đọc sách, nhất là khi việc đọc chưa được ưu tiên trong lối sống hằng ngày.
Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và các phương tiện giải trí như mạng xã hội, trò chơi điện tử, video, học sinh thường bị cuốn hút vào hoạt động này, làm giảm thời gian và động lực dành cho việc rèn thói quen đọc sách mỗi ngày.
Bên cạnh áp lực học tập, sự phổ biến của thiết bị điện tử và mạng xã hội, cô Trần Nguyễn Phượng Loan – Trường THPT Võ Văn Kiệt (Vĩnh Long) còn trăn trở vì ở nhiều địa phương, đặc biệt vùng nông thôn, nguồn sách và tài liệu đọc chưa đủ đáp ứng nhu cầu học sinh. Nhiều em không được khuyến khích hoặc ít có cơ hội phát triển thói quen đọc sách từ nhỏ, dẫn đến thiếu hứng thú với việc đọc khi lớn lên.
Thầy Nguyễn Phương Bắc – Trường THCS Lâm Thao, Lương Tài (Bắc Ninh) nhận định: Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường sẽ góp phần khơi dậy niềm đam mê đọc sách và thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, hình thành thói quen, kỹ năng tìm sách, đọc sách cho học sinh.
Phát động và hưởng ứng Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc hằng năm là cơ hội để giáo viên tăng cường đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn, hướng dẫn và tạo điều kiện để học sinh phát huy năng khiếu, tình yêu đối với sách báo.
Tuy vậy, hiện thói quen đọc sách chưa được hình thành rộng rãi trong nhà trường. Cơ sở vật chất thư viện trường học chưa đáp ứng được nhu cầu tìm và đọc sách cho học sinh. Điều kiện về thời gian, không gian đọc sách dành cho học sinh còn hạn chế.
Nhân viên phụ trách thư viện trường học chủ yếu kiêm nhiệm nên việc xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động đọc sách cho giáo viên, học sinh thiếu hấp dẫn. Thư viện điện tử khai thác chưa thực sự hiệu quả do thiết bị, hệ thống Internet thiếu đồng bộ.
Giáo viên phải truyền cảm hứng
Giúp học sinh nâng cao văn hóa đọc, thích đọc sách, biết cách đọc, từ đó học môn Ngữ văn tốt hơn, đáp ứng với yêu cầu mới, thầy Nguyễn Phương Bắc cho rằng, trước tiên giáo viên phải có niềm đam mê đọc sách, truyền cảm hứng đọc sách cho học sinh qua mỗi bài giảng.
Thầy cô phải là người khơi gợi, hướng dẫn, cung cấp địa chỉ điện tử, hỗ trợ học sinh hình thành thói quen, kỹ năng tìm sách, đọc sách, lưu trữ sách bản mềm để phục vụ việc học và thư giãn, giải trí.
Thông qua các tiết đọc mở rộng, tổ chức cho các nhóm học sinh báo cáo kết quả tìm sách, đọc sách có nhận xét, đánh giá để kích thích hứng thú, tạo động lực cho học sinh tích cực tìm và đọc sách theo yêu cầu của nhiệm vụ học tập.
Là giáo viên Ngữ văn, cô Chử Thị Mai Linh – Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường Tiểu học – THCS Ngôi Sao Hà Nội cho biết: Chương trình và dự án Văn hóa đọc của tổ Ngữ văn được xây dựng, duy trì từ nhiều năm nay. Lãnh đạo nhà trường coi đây là dự án trọng tâm nhằm giáo dục toàn diện cho học sinh.
Vì vậy, để phát triển văn hóa đọc, thầy cô chú trọng tạo cảm xúc và sự hứng thú học sinh với việc đọc sách; trang bị cho các em những phương pháp đọc sách hiệu quả; giới thiệu những thể loại sách khác nhau phù hợp tâm lý, sở thích của người đọc; động viên, khen thưởng học sinh khi có cách thức đọc sách hay, hiệu quả.
Cũng nêu giải pháp, cô Trần Nguyễn Phượng Loan nhấn mạnh, đầu tiên cần tạo động lực từ bài học Ngữ văn. Theo đó, giáo viên có thể liên kết tác phẩm văn học trong chương trình với các tác phẩm nổi tiếng, thú vị khác để khuyến khích học sinh đọc thêm. Chẳng hạn, sau khi học một bài thơ hoặc truyện ngắn, giáo viên gợi ý các sách có nội dung tương tự hoặc mở rộng đề tài.
Cùng đó triển khai các hoạt động khuyến đọc, như: Tổ chức câu lạc bộ sách, các cuộc thi viết cảm nhận sách, hoặc buổi chia sẻ sách, giúp học sinh thấy việc đọc thú vị hơn. Đây là cơ hội để học sinh thể hiện, phát triển quan điểm cá nhân thông qua chia sẻ những gì đã đọc.
Nhiều học sinh không biết cách chọn sách phù hợp với trình độ, sở thích của mình. Giáo viên có thể giới thiệu các thể loại sách khác nhau và hướng dẫn cách đọc sao cho hiệu quả; ví dụ như đọc sâu (đọc kỹ, phân tích), đọc lướt (để nắm ý chính), hoặc đọc theo mục đích cụ thể.
Thay vì coi công nghệ là trở ngại, giáo viên có thể tận dụng sách điện tử, blog sách, hoặc các ứng dụng đọc sách để thu hút học sinh. Ngoài ra, khuyến khích học sinh thảo luận về sách trên các diễn đàn hoặc nhóm học tập trực tuyến cũng là cách tạo không gian đọc sôi nổi, hiện đại.
Thầy cô cũng có thể khuyến khích học sinh thực hiện các dự án nghiên cứu, viết báo cáo hoặc thuyết trình về tác phẩm văn học hoặc sách ngoài chương trình học. Điều này vừa giúp các em mở rộng kiến thức, vừa rèn luyện kỹ năng tổng hợp, phân tích.
Trong bối cảnh đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, phát triển văn hóa đọc cho học sinh đóng vai trò vô cùng quan trọng. Văn hóa đọc không chỉ giúp học sinh mở rộng kiến thức mà còn phát triển tư duy, khả năng ngôn ngữ, kỹ năng phân tích, suy luận và sáng tạo.
Đặc biệt, trong môn Ngữ văn, văn hóa đọc giúp học sinh tiếp cận, thấu hiểu sâu sắc hơn về tác phẩm văn học, từ đó cải thiện khả năng viết và diễn đạt ý tưởng của mình.
Một số ý nghĩa của việc phát triển văn hóa đọc trong dạy học Ngữ văn như: Giúp học sinh nâng cao kỹ năng ngôn ngữ và biểu đạt, phát triển tư duy phản biện và sáng tạo, mở rộng kiến thức và tăng khả năng liên hệ thực tiễn, hình thành thói quen tự học. – Cô Trần Nguyễn Phượng Loan
Theo Giáo dục thời đại
Xem thêm: