“Vùng đáy” của thị trường BĐS 10 tháng năm 2023 nằm ở thời điểm nào?

Kinhtetrithuc.vn – Trong 9 tháng đầu năm 2023, nguồn cung nhà ở tại TP.HCM có 13 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện để huy động vốn với 15.020 căn (tăng 1,37 lần so với cùng kỳ năm 2022, nhưng doanh thu huy động giảm 4,7%) gồm 13.767 căn hộ chung cư (chiếm 91,6%) và 1.253 căn nhà thấp tầng (chiếm 8,4%).

Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, thị trường bất động sản đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và có thể nhận định quý 1/2023 là “vùng đáy” của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, về tổng thể thì thị trường bất động sản hiện nay vẫn còn rất khó khăn, nhưng mức độ khó khăn có xu thế giảm dần theo thời gian, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, thể hiện rất rõ nét tại thị trường bất động sản TP.HCM, quý 1/2023 tăng trưởng âm -16,2%.

Đến 6 tháng đầu năm 2023 vẫn tăng trưởng âm -11,58% nhưng đã giảm 4,62% so với quý 1/2023. Đến cuối quý 3/2023, tuy vẫn còn tăng trưởng âm -8,71% nhưng đã giảm thêm 2,87% so với 6 tháng đầu năm và sau 9 tháng thì mức độ khó khăn của thị trường bất động sản đã giảm 42,3% so với quý 1/2023.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, nguồn cung nhà ở tại TP.HCM có 13 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện để huy động vốn với 15.020 căn (tăng 1,37 lần so với cùng kỳ năm 2022, nhưng doanh thu huy động giảm 4,7%) gồm 13.767 căn hộ chung cư (chiếm 91,6%) và 1.253 căn nhà thấp tầng (chiếm 8,4%).

Trong đó phân khúc nhà ở cao cấp có 9.969 căn chiếm 66,37% (cao hơn tỷ lệ 58% của cả nước) phần còn lại là phân khúc nhà ở trung cấp có 5.051 căn chiếm 33,63% (cao hơn tỷ lệ 26% của cả nước) và vẫn tiếp tục tình trạng không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân giá vừa túi tiền, cũng không có thêm nhà ở xã hội.

356541735-667867568574595-3003778289641081822-n-1700522413.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Theo HoREA, thị trường bất động sản cho thuê bao gồm nhà ở cho thuê, văn phòng cho thuê, mặt bằng cho thuê kinh doanh thương mại, dịch vụ vẫn còn rất khó khăn. Trong bức tranh còn tối màu của thị trường bất động sản thì vẫn có “điểm sáng” là thị trường bất động sản công nghiệp. 

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cả nước và TP.HCM tiếp tục bị “lệch pha cung-cầu”, rất thiếu nguồn cung dự án dẫn đến rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là rất thiếu nguồn cung nhà ở bình dân giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội (NƠXH)

Thị trường bất động sản tiếp tục bị mất cân đối, “lệch pha” sản phẩm nhà ở, “lệch” về phân khúc nhà ở cao cấp. Từ năm 2020 đến nay, nhà ở cao cấp luôn chiếm tỷ lệ áp đảo lên đến 70-80% sản phẩm nhà ở trên thị trường, phần còn lại là nhà ở trung cấp và hầu như không còn nhà ở bình dân dẫn đến tình trạng rất thiếu nhà ở giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội là loại nhà đáp ứng nhu cầu thực của đa số người dân.

Giá nhà tăng liên tục từ năm 2017 đến nay và vẫn “neo cao” vượt ngoài khả năng tài chính của người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân lao động và người nhập cư, bởi lẽ căn hộ bình dân có giá 2-3 tỷ đồng thì người có thu nhập trung bình thấp, có tiền để dành được khoảng 100 triệu đồng/năm cũng phải mất khoảng 25 năm mới có thể mua được nhà, mà nếu không thay đổi chính sách NƠXH thì người nộp thuế TNCN “bậc 1” (hiện nay quy định dưới 60 triệu đồng/năm) cũng không được mua NƠXH, nhưng cũng không đủ khả năng tài chính để mua nhà ở thương mại giá bình dân và “nghịch lý” là quá hiếm loại nhà ở thương mại giá bình dân.

So sánh với năm 2017 là “đỉnh” của thị trường bất động sản (sau giai đoạn khủng hoảng “đóng băng” 2011-2013 và phục hồi và tăng trưởng trở lại từ năm 2014) đã cho thấy rõ là thị trường bất động sản TP.HCM kể từ sau năm 2017 đã liên tục bị sụt giảm nguồn cung và kể từ năm 2020 còn bị “lệch pha” sản phẩm nhà ở, “lệch” về phân khúc nhà ở cao cấp dẫn đến tình trạng giá nhà tăng liên tục cho đến nay.

Giao dịch bất động sản tiếp tục sụt giảm mạnh, theo Bộ Xây dựng thì trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng giao dịch bất động sản giảm đến 50% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo báo cáo của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thì đến cuối tháng 9/2023, hàng tồn kho bất động sản rất lớn, có tổng giá trị lên đến 301.600 tỷ đồng tăng 5% so với cùng kỳ, cần phải có giải pháp để tháo gỡ, đưa lượng hàng tồn kho rất lớn này trở lại thị trường bất động sản để vừa tạo dòng tiền, tạo thanh khoản, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường.

Chính phủ đôn đốc tháo gỡ khó khăn

Theo HoREA, “trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã ban hành 44 Nghị định, 106 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 18 Quyết định quy phạm pháp luật, 844 Quyết định cá biệt, 22 Chỉ thị, 43 Công điện và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành; tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị, làm việc, chuyến công tác. 

Các Thành viên Chính phủ đã trực tiếp làm việc với từng địa phương để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Tập trung thực hiện các giải pháp về cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng; gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; từng bước xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng kéo dài nhiều năm” (theo Nghị quyết 97/NQ-CP ngày 08/07/2023) và đến nay thì chắc chắn số lượng các văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành là nhiều hơn.

Trong 10 tháng đầu năm 2023, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 02 Hội nghị chuyên đề về bất động sản, nhà ở xã hội, ban hành 12 văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo điều hành, điển hình là Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP, Nghị định số 35/2023/NĐ-CP, Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 “về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/04/2023 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.

Cũng theo Hiệp hội BĐS TP.HCM, chỉ riêng tháng 10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có 03 Công điện chỉ đạo rất quyết liệt gồm Công điện số 965/CĐ-TTg ngày 13/10/2023 chỉ đạo “Tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện quản lý, sử dụng đất, giao đất, định giá đất”; Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023 chỉ đạo “Về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023”, đặc biệt là Công điện số 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023 “Về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội”.

244956512-668045014086187-1519224893455381146-n-1700522457.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong hơn 10 tháng đầu năm 2023 đã tổ chức 02 hội nghị về tín dụng đối với bất động sản, nhà ở xã hội; triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng để phục vụ Chương trình phát triển 1 triệu căn NƠXH, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trong giai đoạn 2021-2030 với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất thương mại; đồng thời đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN “Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn”, Thông tư 03/2023/TT-NHNN “Quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp” và Thông tư 10/2023/TT-NHNN “Ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung của thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (đã được bổ sung tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28 tháng 6 năm 2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)”. 

Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 35/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, đặc biệt là với vai trò Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và trực tiếp làm việc với nhiều doanh nghiệp đã tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn của một số dự án bất động sản, nhà ở thương mại, điển hình là Tổ công tác đã phối hợp với UBND TP.HCM đã tháo gỡ được 30% trong tổng số 148 dự án bị “vướng mắc pháp lý”, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được huy động vốn 50% sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai, hoặc được chấp thuận chủ trương đầu tư, hoặc được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, hoặc được xác định giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của dự án và cấp “sổ hồng” cho hơn 10.000 căn hộ cho người mua nhà…  

Các biện pháp quyết liệt trên đây của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bước đầu đã thúc đẩy, tạo được sự chuyển biến rất tích cực có tính lan tỏa từ các Bộ, ngành đến các địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân, nhà đầu tư để vượt qua khó khăn, nâng đỡ niềm tin thị trường.

Theo Nhà quản lý

Xem thêm: