15 ngày bùng dịch ở TP.HCM và ước mơ vaccine càng sớm càng tốt

Số ca nhiễm ở cộng đồng vừa có dấu hiệu giảm thì TP.HCM lại phát hiện thêm nhiều chuỗi lây chưa rõ nguồn, trong khi việc xúc tiến mua vaccine gặp nhiều khó khăn.

Kịch bản 5.000 ca nhiễm nCoV là phương án đã được TP.HCM tính đến trong đợt dịch Covid-19 đầu tiên. Thế nhưng, ba đợt dịch qua đi, TP.HCM chưa từng phải dùng tới kịch bản trên 500 ca nhiễm.

Điều không ai muốn đã đến, đợt dịch thứ 4 trở thành làn sóng lây nhiễm nặng nề nhất cho TP.HCM cũng như cả nước. Số bệnh nhân thành phố ghi nhận trong 15 ngày cao gần gấp 3 lần tổng số ca nhiễm của 3 đợt dịch trước. Lần đầu tiên, TP.HCM vượt qua mốc an toàn, trở thành địa phương có tỷ lệ nhiễm báo động là 13 ca/triệu dân (tính đến 30/5).

Vaccine là lối thoát duy nhất cho Việt Nam. Cả ngành y tế và Chính phủ đều đang tập trung mọi nguồn lực để thực hiện hóa mục tiêu này. Thế nhưng, trong lúc chờ đợi 120 triệu liều vaccine về nước, nhiệm vụ đặt ra cho TP.HCM là chặn được số ca nhiễm đang ngày một tăng.

10/6, ngày thứ 15 tính từ khi TP.HCM phát hiện ổ dịch nhóm truyền giáo, TP.HCM ghi nhận thêm 61 ca nhiễm. Số ca nhiễm cao nhất trong một ngày kể từ đầu mùa dịch đến nay.

Ác mộng

Đợt dịch thứ 4 của TP.HCM khởi phát từ hôm 29/4 với ca nhiễm được phát hiện ở quận Bình Tân, có nguồn lây từ ổ dịch tại Hà Nam. Ngày 18/5 và 21/5, thành phố lần lượt ghi nhận hai chuỗi lây nhiễm đều bắt nguồn tại quận 3, từ một công ty và một quán bánh canh.

Trước tình hình dịch phức tạp, UBND TP.HCM lần lượt yêu cầu tạm dừng các hoạt động quán bar, karaoke, vũ trường… từ 30/4; tiệm massage, xông hơi, rạp phim, phòng gym… tạm dừng từ 3/5.

Khi ngành y tế còn đang điều tra nguồn lây của hai chuỗi lây nhiễm kể trên thì một ổ dịch khác đang âm thầm len lỏi trong các khu phố, bắt nguồn từ trụ sở của điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng tại quận Gò Vấp. Thế nhưng, phải đến ngày 26/5, chuỗi lây nhiễm này mới được phát hiện nhờ 3 ca chỉ điểm ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh). Ngành y tế nhận định bệnh nhân đầu tiên có triệu chứng từ 13/5; như vậy, cho đến khi được phát hiện, chùm ca bệnh này đã qua 3-4 chu kỳ lây nhiễm.

Con hẻm nơi có trụ sở của điểm nhóm truyền giáo tại Gò Vấp. Ảnh: Phạm Ngôn.

Một loạt địa điểm bị phong tỏa xuất hiện tại 5 quận, huyện ở TP.HCM chỉ sau một đêm. Chưa đầy 12 giờ kể từ khi phát hiện ca chỉ điểm, TP.HCM ghi nhận 25 ca dương tính. Từ đây, số ca nhiễm tăng theo cấp số nhân, trở thành “cơn ác mộng” của ngành y tế.

Ngay lập tức, UBND TP.HCM họp khẩn và yêu cầu từ 27/5, tạm dừng thêm một loạt hoạt động không thiết yếu như spa; cơ sở làm đẹp; các hoạt động tập trung trên 10 người… Các quán ăn chỉ được bán hàng mang về.

Khi đó, F1 của các ca nhiễm đã lan ra 16 quận, huyện. Ngành y tế đặt mục tiêu lấy mẫu diện rộng nhằm cắt đứt chuỗi lây nhiễm sớm nhất.

Nguồn lây của chùm ca bệnh điểm nhóm Hội thánh còn là dấu hỏi thì tối cùng ngày, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn (quận Phú Nhuận) phát hiện thêm 2 ca bệnh qua khám sàng lọc. Khi đó, ngành y tế chưa xác định được nguồn lây.

Ba ngày sau (30/5), số địa phương có ca nhiễm tăng lên 15 quận, huyện và TP Thủ Đức. TP.HCM có 126 bệnh nhân chỉ sau 3 ngày.

TP.HCM tiếp tục họp khẩn. Cuộc họp có sự tham dự của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo áp dụng Chỉ thị 15+ toàn thành phố, xem xét không tập trung quá 5 người nơi công cộng. Áp dụng Chỉ thị 16 trong 15 ngày với quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12). Thời gian áp dụng từ 0h ngày 31/5.

Nhiều ca nhiễm chưa rõ nguồn lây

Thực hiện lệnh cách ly xã hội một phần, TP.HCM lần đầu lâm vào cảnh lúng túng khi chỉ riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12, phải áp dụng Chỉ thị 16. Ngày cách ly đầu tiên, quận Gò Vấp bối rối mở chốt rồi lại đóng chốt. Tình trạng ùn ứ vào giờ cao điểm liên tục tái diễn 2 ngày liên tiếp.

Ngày 1/6, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Phó chủ tịch Dương Anh Đức phải làm việc với quận Gò Vấp để bàn giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho đơn vị này. Gò Vấp áp dụng chiến lược mới là mở chốt giờ cao điểm, kiểm tra xác suất, sau đó đóng chốt. Tình hình được tháo gỡ, Gò Vấp vượt qua khó khăn về chuyện kẹt xe.

Ông Nguyễn Thành Phong thừa nhận “việc cách ly riêng một quận Gò Vấp là chưa có tiền lệ, còn nhiều thách thức”. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng tuần đầu áp dụng giãn cách xã hội, nhiều nơi còn lúng túng do chưa lường hết được khó khăn khi thực hiện quyết định cách ly một quận hoặc một phường. Tuy nhiên, ông đánh giá các khó khăn này đã được giải quyết ổn thỏa.

Dòng người ùn ứ tại các chốt kiểm soát dịch ở Gò Vấp trong 2 ngày đầu cách ly xã hội. Ảnh: Phạm Ngôn.

Một vấn đề khác đặt ra cho thành phố là số ca nhiễm liên tục tăng nhanh khiến số F1 phát sinh ngày càng nhiều. Các khu cách ly tập trung của quận, huyện lâm vào cảnh quá tải. TP.HCM khẩn trương lập phương án mở rộng hàng loạt khu cách ly.

Ngày 8/6, Phó chủ tịch Dương Anh Đức ký cùng lúc 3 quyết định thành lập khu cách ly tập trung. TP.HCM cũng đồng ý chủ trương cho quận, huyện thành lập khu cách ly tập trung trả phí tại khách sạn. Ngoài ra, khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM cũng được nâng công suất từ 10.000 lên 19.000 giường.

Sở Y tế cũng chuyển đổi hai bệnh viện thành nơi chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện huyện Củ Chi. Ngoài ra, một bệnh viện dã chiến 1.000 giường cũng sẵn sàng tại nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11).

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 sau một tuần áp dụng Chỉ thị 15 và 16, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết số ca nhiễm có dấu hiệu giảm dần. Ông nhận định mỗi ngày TP có thể phát hiện thêm 40 ca nhưng chủ yếu trong khu cách ly, phong tỏa, sau khi xét nghiệm lần 2, 3 nên khả năng không còn trường hợp tiếp xúc rộng trong cộng đồng.

Sau một tuần thực hiện lệnh giãn cách, ông Nguyễn Văn Nên khẳng định quyết định là đúng, kịp thời. “Nếu không thực hiện giãn cách thì đến giờ, không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, ông Nên nhận định. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng cho rằng “về tổng thể, dịch bệnh tại thành phố đang trong tầm kiểm soát và chững lại”.

Tuy nhiên, một dấu hiệu đáng lo khác là ngày càng xuất hiện nhiều ca nhiễm nCoV chưa rõ nguồn lây qua khám sàng lọc tại các bệnh viện, trong đó có ca từ khu công nghiệp, công ty.

Vaccine về càng sớm, càng nhiều càng tốt

Ngày 8/6, một ca nhiễm nCoV được phát hiện tại Công ty PouYuen – nơi có 56.000 lao động. Một công nhân tại công ty thuộc khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) cũng được xác định nhiễm nCoV. May mắn, người này đã được cách ly từ trước và nghỉ làm nên 145 F1 của ca nhiễm này đều âm tính.

Thêm vào đó, một loạt huyện ngoại thành phát hiện các chùm ca bệnh mới chưa rõ nguồn lây. Củ Chi xác định 17 người dương tính với SARS-CoV-2. Tại Hóc Môn, một chùm bệnh 28 ca liên quan xưởng cơ khi cũng được phát hiện. Các chuỗi lây nhiễm này đều được phát hiện khi khám sàng lọc tại bệnh viện và chưa xác định nguồn lây.

Bên cạnh công tác chặn đứng dịch bệnh, TP.HCM cũng tiến hành một buổi gặp gỡ các doanh nghiệp sáng 10/6 để lắng nghe các khó khăn, tháo gỡ vướng mắc để kinh tế vượt qua đại dịch.

Công nhân khu công nghiệp PouYuen xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: Duy Hiệu.
Công nhân khu công nghiệp PouYuen xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: Duy Hiệu.

Giải pháp quan trọng nhất mà lãnh đạo UBND TP.HCM đang làm là tích cực tìm kiếm nguồn vaccine, hướng tới mục tiêu tiêm chủng cho toàn bộ người dân TP.HCM.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết TP.HCM đang đàm phán để mua vaccine nhưng việc tiếp cận nguồn vaccine rất khó. Để quá trình tiêm vaccine được đẩy nhanh hơn, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng TP, doanh nghiệp cần mở rộng và tăng cường hợp tác, liên kết để tìm nguồn vaccine.

“Ai có nguồn cứ báo thẳng đến UBND TP.HCM, với tinh thần mang vaccine về càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt”, ông Nên kêu gọi doanh nghiệp và người dân.

Theo Zing