Giáo dục phải xuất phát từ tình thương yêu

Kinhtetrithuc.vn – Một xã hội muốn phát triển văn minh, rõ ràng phụ thuộc rất lớn vào nền tảng giáo dục nhân văn, nhân bản…

Sự quan tâm của giáo viên giúp học sinh tiến bộ nhanh nhất. Ảnh minh họa: INT
Sự quan tâm của giáo viên giúp học sinh tiến bộ nhanh nhất. Ảnh minh họa: INT

“Yêu lấy những giọt nước mắt, yêu lấy những nụ cười để cuộc đời mỗi người thấm đẫm yêu thương, để biết sẻ chia khi lòng người tâm trạng và biết reo ca khi khấp khởi trong lòng”, đó là những lời phát biểu đầy tình yêu thương trong bài diễn văn của GS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong Lễ bế giảng năm học và trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên năm 2022.

Với tôi, một thầy giáo có gần 20 năm công tác cùng thời gian dài đảm nhiệm công tác chủ nhiệm càng thêm thấm thía, rằng muốn giáo dục bất kỳ một học trò nào, ngỗ nghịch hay hiền ngoan nên người nhất thiết phải xuất phát từ tình yêu thương.

Đoàn tàu trong 3 năm chỉ chở một học sinh

Câu chuyện này có trên fanpage của Đài Truyền hình Trung ương của Trung Quốc (CCTV). Trang này đăng tin: Cách đây ba năm, số lượng hành khách đến nhà ga Kami-Shirataki (trên đảo Hokkaido, phía Bắc lạnh giá nhất ở Nhật Bản) giảm đáng kể vì nơi này ở vị trí xa và có ít cư dân sinh sống.

Cơ quan quản lý Đường sắt của Nhật (JR) ra quyết định đóng cửa nhà ga này. Nhưng rồi họ biết có một nữ sinh thường xuyên có mặt tại nhà ga để đi học, vì vậy, họ đã thay đổi quyết định. JR tiếp tục duy trì hoạt động của nhà ga và tuyến Kami-Shirataki để phục vụ cô học sinh kia cho đến khi tốt nghiệp vào ngày 26/3/2016.

Qua câu chuyện trên, mọi người có lẽ ngạc nhiên và xúc động bởi những trường hợp nhân văn như thế ít xảy ra trong thực tế. Tuy nhiên, ở Nhật những việc làm như thế lại rất bình thường. Một người lái tàu có thể bất chấp thiệt hại dừng cả đoàn tàu để nhặt khoai tây giúp người già.

Hay câu chuyện một nhà ga cử một đoàn tàu chỉ để đến đón hai hành khách bị bỏ quên. Những câu chuyện ấy, chắc chắn đem đến cho chúng ta suy ngẫm sâu sắc về ý nghĩa nhân văn trong việc giáo dục ở Nhật. Hóa ra, cốt lõi của giáo dục ở một con người chính là tình yêu thương chứ không phải ở những điều to tát khác.

Nước ta gần đây xuất hiện không ít chuyện không vui về cách giáo dục trẻ em trong trường học bằng các hình phạt… bất bình thường. Xin nhắc lại một số hình phạt thiếu tính nhân văn, tính giáo dục như một giáo viên đuổi học sinh ra khỏi lớp vì mua bánh sinh nhật không đúng ý cô. Gần đây nhất, nữ giáo viên chủ nhiệm lớp 4B Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) bị đình chỉ công tác do có lời xúc phạm, nhục mạ học sinh.

Rõ ràng vì bất cứ lý do nào đi chăng nữa, chúng ta cũng không thể ngụy biện cho những việc làm phản tính giáo dục, đi ngược lại bản chất giáo dục trong trường học. Có thể, đó chỉ là những sự vụ không phổ biến nhưng ngăn chặn sớm là điều rất quan trọng. Bởi chỉ có giải quyết triệt để mới có thể ngăn chặn kịp thời những sự việc tương tự không xảy ra trong tương lai.

Gốc rễ là tình thương yêu

Trường học nơi tôi công tác gần đây có một học sinh rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đó là em Nguyễn Văn Toản, năm học 2023 – 2024 bị tai nạn giao thông. Em hôn mê bất tỉnh trong mấy tuần liền. Gia đình kinh tế vốn đã khó khăn nay càng túng quẫn hơn. Tập thể hội đồng sư phạm nhà trường cùng với học sinh trong trường đã phát động quyên góp ủng hộ gia đình em vượt qua khó khăn. Sau một năm vật lộn với chấn thương, nay sức khỏe em đang phục hồi. Tuy nhiên, di chứng của vụ tai nạn vẫn khiến em có lúc mất trí nhớ.

Mẹ em tâm sự, gần đây em thường dậy từ 4 giờ sáng và khao khát được đến trường. Biết sức khỏe của con vẫn còn yếu, đặc biệt trí nhớ lúc nhớ lúc quên nên gia đình muốn giữ em ở nhà. Song vì ngày nào con cũng đòi đi học nên gia đình đã đến gặp ban giám hiệu nhà trường để xin cho em được đến lớp.

Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình, nhà trường đã đồng ý cho em đi học trở lại. Sau một thời gian ngắn, được sự quan tâm đặc biệt của cô giáo chủ nhiệm và các bạn, trí nhớ của em Toản dần được hồi phục. Thiết nghĩ, việc làm của tập thể nhà trường cũng xuất phát từ tình yêu thương học trò.

Trong văn chương, chúng ta từng xúc động trước những tác phẩm có tính giáo dục bằng tình yêu thương. “Chiếc lá cuối cùng” của O.Henry là một ví dụ. Diễn biến câu chuyện được đảo ngược khi Johnsy bệnh nặng tưởng là đến dần với cái chết nhưng lại vượt qua nguy hiểm nhờ “chiếc lá cuối cùng” vẫn còn trên cây thường xuân sau một đêm mưa tuyết; còn cụ Behrman đang khỏe mạnh nhưng vì bức vẽ “cứu rỗi một con người” lại đột ngột qua đời.

Sự thay đổi ấy đã đem đến những rung cảm mạnh mẽ và thấm thía cho người đọc. Phải xuất phát từ tình yêu thương chân thành, nhà văn mới thấu hiểu với cảnh đời khốn khó để từ đó gửi gắm nhiều thông điệp nhân văn sâu sắc đến độc giả. Phải có cái nhìn độ lượng, thương cảm, lạc quan của O.Henry đối với con người và cuộc sống mới truyền tới độc giả những xúc cảm giàu lòng yêu thương đến thế.

Hóa ra nghệ thuật chân chính bao giờ cũng xuất phát từ tình cảm chân thành trong trái tim của mỗi người và tạo ra những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống. Trong “Quà Giáng sinh”, nhà văn O.Henry một lần nữa cho chúng ta thấy sức mạnh lan tỏa từ lòng yêu thương cảm động đến nhường nào.

Truyện có nội dung kể về một cặp vợ chồng trẻ và cách họ mua quà tặng Giáng sinh bí mật cho nhau với số tiền ít ỏi dành dụm được. Cốt truyện và tình huống trớ trêu phần cuối truyện là chuyện tình cảm động với bài học đạo đức về cách tặng quà.

Và khi người vợ đã không còn mái tóc nâu dài óng ả (vì cô đã cắt bán nó để có tiền mùa quà tặng chồng) để kẹp những cái cài tóc xinh xắn, còn người chồng cũng không còn chiếc đồng hồ quả quýt quý giá để có thể đeo với sợi dây bằng vàng mà vợ mình mua cho thì cũng là khi tình yêu thương lan tỏa đến ngôi nhà hạnh phúc.

Từ đó, chúng ta thấy được thông điệp mà nhà văn nhắn gửi là giá trị thực sự của món quà nằm ở sự trân trọng, yêu thương mà người tặng quà dành cho người nhận.

Nói vậy để thấy, một xã hội muốn phát triển văn minh, rõ ràng phụ thuộc rất lớn vào nền tảng giáo dục nhân văn, nhân bản. Làm sao để những đối xử tốt đẹp giữa con người với nhau, giữa các tổ chức đối với cá nhân, giữa cá nhân đối với tập thể trở thành việc làm bình thường trong xã hội thì rất cần sự quan tâm giáo dục từ gia đình, đặc biệt là hệ thống giáo dục trong trường học các cấp.

Và điều cốt lõi của giáo dục ở gia đình cũng như trường học phải xuất phát từ tình yêu thương. Có như vậy, tôi tin rằng trong tương lai không xa, những câu chuyện đẹp về lòng tốt của con người sẽ là điều rất đỗi bình thường trong cuộc sống.

Bất cứ trong môi trường nào, gia đình hay trường học thì những hình phạt thiếu tính nhân văn cũng cần phải loại bỏ. Hình phạt mang tính bạo hành cần bị lên án và xử án nghiêm minh. Có như thế, con trẻ khi trưởng thành mới biết sống yêu thương, bao dung, độ lượng.

Theo Giáo dục & Thời đại

Xem thêm: