Super League: Lợi ích kinh tế lớn đến thế nào mà khiến châu Âu chia rẽ?
Theo tuyên bố từ Super League, mỗi đội dự giải sẽ nhận 400 triệu euro, gấp 4 lần số tiền thưởng cho nhà vô địch UEFA Champions League 2020.
Cả châu Âu rung chuyển khi 12 CLB bao gồm AC Milan, Arsenal, Atletico Madrid, Chelsea, Barcelona, Inter Milan, Juventus, Liverpool, Manchester City, Manchester United, Real Madrid và Tottenham Hotspur xác nhận thành lập một giải đấu mới mang tên European Super League. Đây là giải đấu độc lập không phụ thuộc UEFA và FIFA.
Ngay lập tức, UEFA phản đối. Các Liên đoàn Bóng đá Anh, Tây Ban Nha, Italy cũng lên tiếng tẩy chay. Tuy nhiên, 12 CLB quyết tâm thành lập giải đấu mới. Super League sẽ bổ sung thêm 8 đội bóng và bắt đầu mùa giải đầu tiên vào tháng 8/2023.
3 câu lạc bộ nữa dự kiến sẽ tham gia trong mùa giải đầu tiên và 5 câu lạc bộ khác sẽ đủ điều kiện tranh tài hàng năm dựa trên thành tích của họ ở mùa giải trước, để tạo ra một giải đấu có sự hiện diện của tối đa 20 đội. Vậy có điều gì hấp dẫn khiến những đội bóng này quyết liệt tham gia, và European Super League có ảnh hưởng thế nào tới UEFA Champions League?
Nguồn lợi khổng lồ từ Super League
Những trang báo lớn nhất của thế giới đã bàn luận về Super League, từ New York Times (Mỹ), BBC (Anh) hay Mundo Deportivo (Tây Ban Nha)… ESPN cho rằng đây là một trong những cú sốc lớn nhất lịch sử bóng đá.
Thông tin Super League được thành lập phát đi trong bối cảnh UEFA chuẩn bị thông báo kế hoạch thay đổi thể thức Champions League. Trước đó, Telegraph đưa tin Champions League sẽ tăng số đội tham dự từ 32 lên 36. Thay vì chia thành 8 bảng, Champions League theo thể thức mới chỉ còn một bảng. Mỗi đội đấu 10 trận tại vòng bảng. Các CLB sẽ đá nhiều trận hơn, nhưng doanh thu có thể không tăng so với trước.
Với Super League, các CLB thi đấu theo thể thức gần như tương tự Champions League, nhưng số trận giảm xuống. Một công ty ngân hàng ở Mỹ “rót” cho Super League 6 tỷ USD kinh phí ban đầu. Một kênh truyền hình đã sẵn sàng mua bản quyền với giá 3,5 tỷ USD.
Một loạt đội bóng lớn ở châu Âu đang khủng hoảng tài chính. Barca gánh khoản nợ hơn một tỷ euro. Real cũng nợ hơn 800 triệu euro. Tương tự là viễn cảnh của Juventus, Milan, Arsenal. Sự ra đời của Super League hứa hẹn giúp tất cả cởi bỏ nút thắt khó khăn.
Super League sẽ phá vỡ mọi kỷ lục về doanh thu. Đây là điểm quyết định để các ông lớn châu Âu quyết tâm rũ bỏ Champions League, vốn có doanh thu khổng lồ, nhưng nguồn tiền chủ yếu chảy vào tay UEFA.
Dưới góc nhìn của ESPN, các ông lớn không hài lòng vì doanh thu từ Champions League bị phân tán quá nhiều nơi. Cụ thể, UEFA sẽ chia quyền lợi cho các CLB, sau đó tiếp tục “rót tiền” đến những liên đoàn thành viên. Các đội bóng lớn mang lại sức hút, là yếu tố quyết định để Champions League kiếm hợp đồng tài trợ, nhưng khoản tiền nhận lại không đáp ứng kỳ vọng của giới thượng tầng.
Với Super League, các đội bóng có nguồn thu đầu tiên từ gói tài trợ 6 tỷ USD. Sau đó, giải đấu tận dụng sức hút của các CLB, ngôi sao để nhận những gói hợp đồng tài trợ béo bở. Super League sẽ tổ chức linh hoạt và sáng tạo hơn. Sẽ có nhiều trận đấu được tổ chức tại châu Á hoặc Bắc Mỹ để tạo ảnh hưởng toàn cầu.
Các đội bóng lớn sẽ nhận được gì từ giải đấu?
Tất nhiên vấn đề quan trọng là tiền. Các tên tuổi muốn kiếm nhiều tiền hơn cả trong ngắn hạn và dài hạn. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến tình hình tài chính của nhiều đội bóng lớn kiệt quệ, thì Super League chẳng khác nào “chiếc phao cứu sinh” giúp họ phục hồi ngay lập tức.
Số tiền chính xác không được nêu rõ nhưng Super League cho hay, tổng giải thưởng “dự kiến sẽ vượt hơn 10 tỷ euro (8,6 tỷ bảng)” trong “thời gian cam kết ban đầu”.
Trong đó, các CLB sáng lập sẽ cam kết được hưởng “miếng bánh” lên tới 3,5 tỷ euro (3 tỷ bảng). Con số này cực kỳ hấp dẫn khi biết rằng, tính ra mỗi CLB sẽ nhận 400 triệu euro, cao gấp 4 lần so với số tiền thưởng cho nhà vô địch UEFA Champions League 2020.
Vì sao lại thành lập vào thời điểm này?
Super League tuyên bố đại dịch Covid-19 đã “đẩy nhanh sự bất ổn trong mô hình quản lý kinh tế của bóng đá châu Âu hiện có”, đồng thời cho thấy rằng cần có một “cách tiếp cận thương mại bền vững” để hỗ trợ các đội bóng hàng đầu châu lục.
Thực tế, nhiều đội bóng lớn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Theo Deloitte, 20 CLB tạo ra doanh thu cao nhất đã thất thu khoảng 1,1 tỷ euro trong mùa giải 2019/20, do nhiều yếu tố bao gồm thiếu khán giả, dẫn đến thu nhập từ bản quyền truyền hình cũng giảm theo.
Theo tính toán, con số này sẽ tăng lên thành 2 tỷ euro (2,42 tỷ USD) sau khi mùa giải 2020/21 khép lại. Chẳng đâu xa, doanh thu của Barcelona giảm tới 15% và nhiều lần đối diện với nguy cơ phá sản.
Ngoài ra, việc UEFA lên kế hoạch thay đổi thể thức UEFA Champions League, với số đội tăng lên từ 32 đội thành 36 đội cũng khiến nhiều đội bóng lớn không hài lòng. Hiện tại, một CLB nếu lọt vào vòng 1/8 chỉ phải đá 6 trận vòng bảng, thì với thể thức mới, mỗi đội phải chinh chiến trong 10 trận (thậm chí là 12 trận nếu xếp thứ 9 và 24, phải đá play-off).
Kéo theo đó, miếng bánh bản quyền truyền hình cũng sẽ bị san sẻ khi số đội tăng lên, trong khi các đội bóng lớn đã bất mãn với cách phân chia của UEFA từ khá lâu.
Super League khẳng định: “Trong những tháng gần đây, các cuộc thảo luận đã diễn ra rộng rãi với các bên liên quan về thể thức trong tương lai của các giải đấu hàng đầu châu Âu. Các câu lạc bộ sáng lập tin rằng, các giải pháp được đề xuất sau các cuộc đàm phán này không giải quyết được các vấn đề cơ bản, bao gồm nhu cầu cung cấp của các trận đấu với chất lượng cao hơn và nguồn tài chính bổ sung cho những đội bóng hàng đầu nói chung.”
Tổ chức nào hậu thuẫn 6 tỷ USD cho Super League?
Tổ chức đứng sau hậu thuẫn tài chính cho siêu giải đấu này là ngân hàng lâu đời đặt trụ sở tại New York (Mỹ) – JP Morgan.
Theo Guardian, ngân hàng này sẽ hỗ trợ 6 tỷ USD để tổ chức giải đấu. “Tôi xác nhận JP Morgan đang hoàn tất các thương thảo nhưng không có bình luận gì vào thời điểm này”, người phát ngôn của ngân hàng có trụ sở tại New York lên tiếng.
Theo Nationalworld, người kết nối JP Morgan với các CLB hàng đầu châu Âu để lên kế hoạch cho Super League là Phó chủ tịch MU, Ed Woodward. Ông Woodward vốn là một nhân viên cũ của JP Morgan.
Phóng viên Kaveh Solhekol của Sky Sport chia sẻ: “Một thành viên của 6 CLB hàng đầu tại Anh nhấn mạnh: ‘Đây không phải nội chiến, mà là chiến tranh hạt nhân. Thật sự thì các ông chủ của CLB không lo lắng việc hình ảnh bị vấy bẩn, họ đã lường trước được điều đó. Tối đa hóa lợi nhuận là mục tiêu quan trọng nhất. Lợi ích của bóng đá chỉ là thứ yếu”.
Sau khi thông tin về Super League bùng nổ, giá cổ phiếu của những CLB tham gia có niêm yết trên sàn đều tăng mạnh. Giá cổ phiếu của Juventus tăng 14,68% trong phiên ngày 19/4. Giá cổ phiếu của MU tăng lên mức 16,41 USD, cao nhất trong 5 ngày qua.
Metro đưa tin, Manchester United cùng hàng loạt đội bóng lớn như Arsenal, Milan, Inter, Tottenham,…đã rời Hiệp hội CLB châu Âu (ECA). Quyết định được các đội bóng này đưa ra ngay sau thông báo về việc tổ chức Super League.
“Chúng tôi muốn bóng đá có vị thế xứng đáng. Đây là môn thể thao có sức ảnh hưởng lớn nhất, được hơn 4 tỷ người quan tâm. Trách nhiệm của chúng tôi là đáp ứng nhu cầu từ người hâm mộ”, báo Mundo Deportivo dẫn lời Chủ tịch Perez về Super League.
Tổng hợp Zing