Bán đảo Thanh Đa: Vùng đất bị lãng quên đang thức giấc
Kinhtetrithuc.vn – Bị “treo” quy hoạch từ năm 1992 cho đến nay, cư dân tại bán đảo Thanh Đa – TP. HCM kỳ vọng được gỡ vướng trong thời gian tới, “hâm nóng” một vùng đất tưởng chừng như đã bị quên lãng trên thị trường bất động sản.
Cơ chế mới – động lực mới
Được uốn quanh bởi dòng sông Sài Gòn, 30 năm qua, bán đảo Thanh Đa thuộc phường 27, 28, quận Bình Thạnh vẫn là “hòn ngọc” bị lãng quên dù có hệ sinh thái phù hợp để phát triển thành khu đô thị hiện đại, văn minh. Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cho biết, áp dụng cơ chế chính sách đặc thù từ Nghị định 98, ông kỳ vọng khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa có thể được gỡ khó sau mấy thập kỷ là đại dự án bị quy hoạch “treo”.
Nhiều chuyên gia kinh tế, bất động sản cho rằng, Nghị quyết 98 có nội dung rất toàn diện, sẽ giúp TP. HCM có chính sách đột phá trong việc xác định giá đất, giải tỏa, bồi thường, quy hoạch, tạo nguồn tài chính… khơi thông các điểm nghẽn gây nên tình trạng ì ạch của các dự án treo điển hình như bán đảo Thanh Đa, đánh thức vùng đất này.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA), cho rằng các cơ chế mới sẽ tạo nên động lực mới, điển hình là Nghị quyết 98 cho phép HĐND TP. HCM quyết định sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư tại chỗ, tạo quỹ đất để đấu giá.
“Các cơ chế này cũng gỡ vướng cho TP. HCM nói chung và bán đảo Thanh Đa nói riêng trong vấn đề đất đai như tạo được quỹ đất để tái định cư tại chỗ cho các hộ có đất bị thu hồi, có quỹ đất để đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư. Điều quan trọng là chính quyền thành phố có thể chủ động hơn trong việc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, đáp ứng kịp thời nhu cầu đầu tư các dự án có sử dụng đất”, ông Lê Hoàng Châu chia sẻ thêm.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng: “Nghị quyết 98 tạo cho TP. HCM cơ chế thoáng, đặc biệt là quyết định cho HĐND sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cơ chế này thúc đẩy tinh thần trách nhiệm và sự sáng tạo trong thực thi. Việc giao cơ chế cũng đồng nghĩa HĐND, UBND Thành phố có thẩm quyền để tự quyết các công việc liên quan trong việc tăng trưởng kinh tế, trong đó có việc giải quyết sớm, dứt điểm các dự án “treo”.
Trao đổi với báo giới, ông David Jackson, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ bất động sản Colliers Việt Nam nhận xét, việc chậm triển khai dự án treo bắt nguồn từ nhiều vấn đề, trong đó vướng mắc nhất là quá trình đền bù, chuyển mục đích sử dụng đất, thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng.
Cách giải quyết các dự án bất động sản “treo” phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế, xã hội và chính sách pháp lý của từng quốc gia. Phương pháp có thể khác nhau ở mỗi quốc gia nhưng điều quan trọng là phải đảm bảo lợi ích của người dân, đền bù hợp lý hoặc bố trí phương án tái định cư phù hợp.
“Nghị quyết mới tạo ra cơ chế quản lý của Nhà nước vừa chặt chẽ, vừa khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển dự án. Theo tôi, một trong những giải pháp về lâu dài là tái cấu trúc nhiệm vụ, vai trò của khu vực công và tư trong việc quản lý, phát triển các dự án bất động sản, mở ra cơ hội tham gia cho khối tư nhân vốn có tiềm lực tài chính tốt để đẩy nhanh tiến độ các dự án”, ông David Jackson nói.
“Bán đảo Thanh Đa cần được quy hoạch bài bản và đầu tư xây dựng theo định hướng phát triển bền vững. Mặc dù có điều kiện thuận lợi như vậy nhưng cho đến nay, phần lớn diện tích của khu vực này vẫn là đất nông nghiệp, hoang hóa, chưa phát triển được thế mạnh và tiềm năng vốn có. Với cơ chế mới của Nghị quyết 98, Thành phố kỳ vọng bán đảo Thanh Đa có thể thức giấc sau 30 năm quy hoạch treo”, đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. HCM bộc bạch.
Đất vàng Thanh Đa sẽ sớm thức giấc
Giới đầu tư địa ốc nhận xét, bán đảo Thanh Đa (rộng 427ha) và bán đảo Thủ Thiêm (rộng 657ha) dù cách nhau không xa nhưng có diện mạo tương phản rõ rệt. Chia thành 8 khu chức năng riêng biệt, bán đảo Thủ Thiêm đã dần trở thành khu đô thị mới có cơ sở hạ tầng hiện đại, kết nối đồng bộ với các khu vực khác của thành phố. Nhiều cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và khu ở văn minh đã hình thành.
Anh Nguyễn Tùng, một môi giới bất động sản khu vực TP. Thủ Đức, cho biết các dự án căn hộ tại khu vực này đều thuộc phân khúc cao cấp và có giá bán khá cao, từ 130 – 200 triệu đồng/m2 (dự án The Maison, dự án Empire City…), còn đất thổ cư lên đến 300-500 triệu đồng/m2 (đường Nguyễn Cơ Thạch).
Trong khi bán đảo Thanh Đa là khu đất vàng cuối cùng còn sót lại nằm sát cạnh khu trung tâm – có vị trí cửa ngõ quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc TP. HCM, giá chung cư chỉ từ 30-35 triệu đồng/m2, giá đất thổ cư cũng chỉ từ 50-100 triệu đồng/m2, còn quá rẻ. Chính vì vậy, thị trường địa ốc khu vực này có tiềm năng vô cùng lớn và sẽ sớm thức giấc.
Theo chị Vũ Bích Ngọc, giám đốc Công ty tư vấn bất động sản Đại Phát (TP. Thủ Đức), thời gian sắp tới, thị trường bất động sản Thanh Đa sẽ có nhiều chuyển biến. “Từ trước đến nay, người dân muốn kết nối với bán đảo Thanh Đa chỉ có 2 lối vào duy nhất đó là qua cầu Kinh Thanh Đa theo đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh hoặc đi qua phà Bình Quới từ phường Linh Đông, Thủ Đức. Tuy nhiên, bức tranh tương lai đã có nhiều tín hiệu khởi sắc khi mới đây, trong 4 cây cầu ngàn tỷ mà thành phố lên kế hoạch hoàn thành trong giai đoạn 2021 – 2026, có đến 2 cây cầu dùng để “mở cửa” cho bán đảo Thanh Đa”, chị Ngọc nói.
Theo đại diện Sở Giao thông vận tải TP. HCM, các cây cầu này được kỳ vọng giúp tăng cường năng lực giao thông khu vực và hoàn chỉnh hạ tầng giao thông theo quy hoạch nhằm phát triển du lịch, kinh tế – xã hội cho TP. HCM và Thanh Đa.
Ngoài cầu Kinh Thanh Đa, khi có thêm cầu Bình Quới và cầu Bình Quới – Rạch Chiếc, bán đảo Thanh Đa sẽ có thêm nhiều cơ hội để “thay da đổi thịt”. Đồng thời, tuyến đường trục chính hiện tại là đường Bình Quới cũng sẽ được đầu tư mở rộng. Với thông tin này, cửa ngõ dẫn vào bán đảo Thanh Đa sẽ được khơi thông, bán đảo Thanh Đa sẽ phá vỡ được thế độc đạo, tạo động lực phát triển.
Theo các sàn giao dịch bất động sản, thời gian qua, thị trường nhà đất trên bán đảo Thanh Đa không có nhiều giao dịch vì khu vực này vướng quy hoạch “treo”, nhiều công trình hoang hóa và xập xệ do bị cấm xây dựng. Nếu có giao dịch thì thường âm thầm thỏa thuận bằng giấy tay, bên bán và bên mua hầu như kín tiếng. Nhưng hiện nay, đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn tới khu vực này.
“Bán đảo Thanh Đa với thế mạnh về địa thế, cảnh quan, quỹ đất vàng còn lại trong quy hoạch phát triển đang trở thành yếu tố rất quan trọng được ví như “hòn ngọc” chỉ chờ mài dũa để tỏa sáng. Nếu quyết tâm làm được chỉ mất 10 năm, có thể đem lại nguồn thu không nhỏ cho thành phố và nhà đầu tư.
TP. HCM đã có định hướng chiến lược rõ ràng và cơ chế mới cho Thanh Đa, tiền bạc đầu tư thì tư nhân bỏ vốn, sinh lời nên việc kêu gọi nhà đầu tư không khó; với nhà đầu tư cá nhân, có thể tìm kiếm cơ hội mới từ khu vực này”, ông Yoki Nguyễn, Việt kiều Úc, một nhà đầu tư bất động sản nhận xét.