Các nền kinh tế bán dẫn làm thế nào để củng cố vị thế trong trật tự quốc tế?

Kinhtetrithuc.vn  – Với việc ngày càng có nhiều quốc gia tập trung phát triển ngành công nghiệp sinh lợi này, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp của các quốc gia như Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc… đang dựa vào giáo dục để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân tài.

Khủng hoảng thiếu hụt nhân sự bán dẫn

Chất bán dẫn, những con chip nhỏ bé có trong điện thoại thông minh, máy tính xách tay, bộ định tuyến không dây và ô tô,… được cho là đã định hình thế giới hiện đại hơn bất kỳ công nghệ nào khác. Đồng nghĩa các quốc gia sản xuất chúng đang nắm giữ một tài sản hùng mạnh. Theo dự báo từ Fortune Business Insights, ngành bán dẫn sẽ đạt giá trị 2 nghìn tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2032.

Để trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực sản xuất chip, doanh nghiệp không chỉ sản xuất số lượng lớn nhất hoặc rẻ nhất, mà còn phải phát triển công nghệ tinh vi nhất. Ngày nay, các doanh nghiệp đang chạy đua để sản xuất những con chip ngày càng nhỏ hơn, hoạt động nhanh hơn và sử dụng ít năng lượng hơn. Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn nhất cản trở sự phát triển này là tình trạng thiếu nhân tài.

Mỹ cần ít nhất 60.000 kỹ sư bán dẫn trong vòng 6 năm tới

Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) dự đoán lực lượng lao động trong ngành công nghiệp chip của nước này vào năm 2030 sẽ tăng 33% so với hiện tại, tương đương gần 115.000 việc làm. Tuy nhiên, có khoảng 67.000 việc làm có thể không được lấp đầy.

Dựa trên ước tính của Trung tâm nghiên cứu chính sách kinh tế (CEPR), Mỹ có thể mất khoảng 16 năm để lấp đầy những vị trí này với tỷ lệ tốt nghiệp của sinh viên hiện tại. Sự thiếu hụt nhân tài này có thể cản trở nghiêm trọng sự phát triển của ngành và khả năng tự cung cấp chất bán dẫn của Mỹ.

Tình trạng này đang diễn ra trên toàn cầu, theo Deloitte, Đài Loan và Hàn Quốc đều đang cần hơn 30.000 nhân sự. Sự thiếu hụt cũng đến từ số lượng sinh viên mới tốt nghiệp không theo kịp cơ hội việc làm, từ đó dẫn tới việc ngành bán dẫn tại các nước này đang phải đối mặt với nhu cầu ngày càng tăng về nhân tài.

Các nền kinh tế bán dẫn làm thế nào để củng cố vị thế

Trên toàn cầu, các chính phủ và ngành công nghiệp đang ngày càng nhận thấy tầm quan trọng của các trường đại học trong việc đào tạo và cung cấp nhân tài bán dẫn trong việc giúp họ đánh bại đối thủ, phát triển nền kinh tế và củng cố vị thế của mình trong trật tự quốc tế.

Tại Mỹ, vào năm 2022, chính phủ đã công bố Đạo luật Khoa học và chips, với khoản đầu tư 50 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng bán dẫn của đất nước, trong đó hàng tỷ USD sẽ được đổ vào nghiên cứu và đào tạo, hứa hẹn sẽ nâng cao vai trò của giáo dục đại học trong toàn ngành.

Tại Đài Loan, nơi sản xuất hơn 60% chất bán dẫn của thế giới, từ năm 2021, chính phủ đã thực hiện nhiều bước khác nhau để củng cố nguồn nhân tài trong tương lai, trong đó gồm việc hợp tác với các trường đại học hàng đầu để thành lập 13 học viện đào tạo chất bán dẫn mới.

Bài học thành công của Đài Loan trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn một phần được coi nhờ vào sự hợp tác chặt chẽ của doanh nghiệp, giáo dục và chính phủ, điều mà không phải quốc gia nào trong khu vực cũng làm được.

Để mở rộng năng lực bán dẫn của Đài Loan, chính phủ nước này cũng đang thúc đẩy đầu tư vào các nước Đông Nam Á, bao gồm chương trình tài năng mới nhắm vào Việt Nam, Indonesia và Philippines. Chương trình tài trợ cho sinh viên từ các quốc gia này đến học tập tại Đài Loan, bao gồm chi trả vé máy bay, học phí và chi phí sinh hoạt. Sinh viên được đảm bảo có việc làm và sau hai năm.

Nhận thức rõ những cơ hội và lợi thế hiện có của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 (Đề án).

Mục tiêu cụ thể của Đề án là đến năm 2030, Việt Nam đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp 3 bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị, trong đó: khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch, 35.000 kỹ sư trong lĩnh vực sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các lĩnh vực khác.

Phó chủ tịch Tập đoàn sản xuất chip hàng đầu thế giới NVIDIA (Mỹ) tiết lộ, tập đoàn có 3/4 nhân lực là kỹ sư người Việt Nam, và kỹ sư Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với đồng nghiệp quốc tế.

Nhân sự người Việt làm việc trong nhà máy Intel Products. Ảnh IPV

Theo kỹ sư Nguyễn Phúc Vinh, Ủy viên Ban chấp hành HSIA, cơ hội dành cho các kỹ sư Việt Nam thế hệ hiện tại khi tham gia vào lĩnh vực vi mạch là rất lớn, và sẽ dễ dàng hơn so với thế hệ đầu tiên những năm 2000, vì kiến thức chuyên môn, kỹ năng thiết kế và công nghệ hiện tại dễ tiếp thu hơn khi có các chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm dẫn dắt. Trung bình các kỹ sư mới ra trường cần được thực hành và làm việc theo quy trình thiết kế và sản xuất công nghiệp khoảng 6 tháng đến 1 năm. Xu hướng hiện tại là rút ngắn dần việc đào tạo tại doanh nghiệp trong tương lai.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực ngành bán dẫn, trong năm 2024, nhiều tổ chức giáo dục, trường đại học thông báo mở ngành đào tạo vi mạch bán dẫn như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội… Trong đó, Tổ chức giáo dục FPT là một trong số ít đơn vị đào tạo ở cả 3 hệ, gồm đại học, cao đẳng, liên kết; có thời gian đào tạo ngắn hạn hoặc dài hạn, đáp ứng với nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau.

Sinh viên sau tốt nghiệp có thể đảm nhận các công việc trong ngành bán dẫn như thiết kế, mô phỏng, kiểm chứng mạch điện tương tự số,….Theo chia sẻ từ đại diện của Tập đoàn FPT, để đáp ứng được sự thiếu hụt nhân lực ngành bán dẫn trên toàn cầu “FPT kiên định với mục tiêu xây dựng 10.000 nhân sự về vi mạch bán dẫn vào năm 2030, sau đó có thể lên tới 20.000 – 30.000 người mỗi năm”.

Theo vietnamfinance

Xem thêm: