Chiến lược phù hợp trước yêu cầu tuyển sinh đại học
Phunuduongthoi.vn – Trước thay đổi trong xu hướng tuyển sinh, nhiều trường THPT, giáo viên đã có giải pháp kịp thời hỗ trợ, đồng hành cùng người học…
Tuyển sinh 2024, xu hướng xét tuyển bằng học bạ giảm rõ rệt, một số trường đại học tốp đầu dừng phương thức này; đồng thời xét tuyển qua các kỳ thi riêng được tăng cường.
Kịp thời tư vấn, hỗ trợ
Việc một số trường đại học tuyên bố bỏ phương thức xét tuyển đầu vào bằng học bạ trong mùa tuyển sinh đại học năm 2024, theo cô Nguyễn Ngân Hà – giáo viên Trường THPT Hùng Vương (Đắk Lắk), có lẽ là quyết định được cân nhắc nhiều chiều.
Học sinh không phải chịu áp lực học đều các môn mà tập trung vào học tập chuyên sâu và phát triển nhiều hơn kỹ năng thực tế, thay vì chỉ học để được điểm cao. Tuy nhiên, quyết định “bẻ lái” bất ngờ của một số trường đại học cũng tác động đến người học. Lý do, mục tiêu thi trường nào, ngành gì được nhiều em ấp ủ từ khi vào lớp 10 nên đã cố gắng học đều các môn để có học bạ “đẹp” suốt 2 năm THPT qua…
Chỉ còn khoảng nửa năm nữa là đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, cô Nguyễn Ngân Hà cho biết, giáo viên Trường THPT Hùng Vương đã hỗ trợ học sinh hết mình trong chọn khối, ngành phù hợp năng lực, sở trường.
“Trước thông tin một số trường đại học bỏ xét học bạ, chúng tôi động viên học sinh có chiến lược học, ôn tập phù hợp, dành thời gian thích đáng cho khối, tổ hợp thi mà ngành, trường mình cần đến. Nắm vững lý thuyết, đa dạng các dạng bài thực hành, các em sẽ làm tốt bài thi”, cô Nguyễn Ngân Hà cho hay.
Ngay từ đầu năm học, học sinh lớp 12 được xếp lớp theo nguyện vọng khối thi, từ đó có thể hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong học tập. Nhà trường tổ chức học tăng tiết vào buổi chiều với các môn theo nguyện vọng đăng ký của học sinh. Giáo viên hướng dẫn tận tình, bám sát đề thi và đề minh họa của Bộ GD&ĐT các năm nhằm giúp học sinh ôn luyện hiệu quả nhất.
Tại Trường THPT Nguyễn Huệ (Bến Tre), thầy Phan Trọng Hải – Phó Hiệu trưởng thông tin, nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học học kỳ II năm học 2023 – 2024 bám sát những thay đổi từ phương thức tuyển sinh của các trường đại học. Bộ phận chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm tư vấn, hỗ trợ và cung cấp thông tin kịp thời cho học sinh về các phương thức tuyển sinh đại học, trong đó chú ý cách tổ chức các kỳ thi riêng.
Đối với học sinh khá, giỏi, giáo viên cung cấp thêm tư liệu để tự học, nghiên cứu. Với học sinh học lực trung bình, thầy cô tiếp tục giúp các em vững kiến thức, chú trọng rèn luyện kỹ năng. “Thầy cô nhắc nhở học sinh lưu ý từng phương thức xét tuyển của các trường đại học để nộp hồ sơ; có thể tận dụng phương thức xét tuyển khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường mong muốn”, thầy Phan Trọng Hải cho biết thêm.
Liên quan đến vấn đề này, cô Trần Thị Phương Mai – Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho rằng, thầy cô cùng nhà trường, gia đình, xã hội cần định hướng nghề nghiệp để học sinh có lựa chọn ngành nghề phù hợp với sở thích, năng lực, nhu cầu xã hội. Việc chọn nghề sẽ quyết định chọn trường.
Từ đó tìm hiểu phương thức tuyển sinh của các trường và xác định mình phù hợp, phát huy được ưu thế trong hình thức tuyển sinh nào. Tránh tình trạng đăng ký nhiều kỳ thi riêng theo đám đông, đăng ký thi mà không xác định rõ mục tiêu gây lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc…
Thầy cô, nhà trường và gia đình cần đồng hành, thực sự thấu hiểu những khó khăn, áp lực thi cử đối với học sinh, nhất là giai đoạn cuối cấp THPT để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả.
Tránh học tủ, học lệch
Nêu quan điểm, cô Nguyễn Thị Bích Hạnh – giáo viên Toán, Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang) nhìn nhận, thầy cô cần giữ vững tâm lý, dạy học đi sâu vào bản chất, logic, khoa học giúp học sinh có kiến thức hệ thống, rèn luyện kỹ năng và tư duy.
Trong dạy học, ôn tập, ngoài các kỳ kiểm tra, thi tốt nghiệp THPT, thầy cô tìm hiểu thêm các kỳ thi riêng của trường đại học, kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ…; nghiên cứu cấu trúc, nội dung kiến thức và các kỹ năng cần thiết để giúp học sinh ôn tập theo nhu cầu nguyện vọng, năng lực, sở trường.
Để học sinh đạt được nguyện vọng tuyển sinh, việc cần làm sớm là tư vấn, định hướng nghề nghiệp; giúp học sinh đánh giá năng lực bản thân, sở trường và định hướng nghề nghiệp, tìm hiểu đề án tuyển sinh các trường quan tâm; xác định mục tiêu rõ ràng; lên kế hoạch ôn tập, rèn luyện phù hợp.
Cô Lan Hương – giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Bình Minh (Hoài Đức, Hà Nội) thì cho rằng, thầy cô cần có định hướng, phương pháp thúc đẩy động lực học tập của học sinh; vạch rõ các kiến thức cần phải học, ôn tập, tránh tình trạng học lệch, học tủ.
Trong dạy học, ôn tập, thầy cô chủ động, sáng tạo phối hợp các phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, tự lực, sáng tạo của người học; trang bị kỹ năng làm bài giúp học sinh tiếp cận với nhiều loại câu hỏi, dạng đề. Với học sinh, cần nhìn nhận đúng hơn về kỳ thi đánh giá năng lực và có kế hoạch học tập cụ thể.
Trước một số thay đổi phương thức tuyển sinh của một số trường đại học, cô Đinh Thái Hà – Trường THPT Mường Chiềng (Hòa Bắc, Hòa Bình) nhấn mạnh việc hỗ trợ học sinh làm quen với kỳ thi riêng, như thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… và tiếp cận với đề thi. Với các kỳ thi riêng, kỹ năng làm bài thi khá quan trọng.
Thầy cô có thể thiết kế bài kiểm tra thường xuyên để hỗ trợ học sinh phát triển kỹ năng này, cung cấp phản hồi đối với mỗi học sinh để có thể cải thiện kỹ năng làm bài. Ngoài ra, thầy cô linh hoạt trong phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá và có thể tích hợp phương pháp giảng dạy mới, sáng tạo để thúc đẩy hiểu biết sâu rộng về kiến thức, thay vì chỉ tập trung vào sách giáo khoa.
Tăng cường sử dụng tài nguyên trực tuyến để hỗ trợ học sinh ôn tập và nắm bắt thông tin hiệu quả hơn. Thông qua các bài kiểm tra trực tuyến, đánh giá hiệu suất, tiết kiệm thời gian cho học sinh làm quen với hình thức kiểm tra đánh giá mới. Ngoài ra, tăng cường tư vấn, hướng nghiệp, giúp trò hiểu rõ hơn về ngành muốn đăng ký thi, cách thức thi cùng các thông tin liên quan đến kỳ tuyển sinh là không thể thiếu.
Theo Giáo dục & Thời đại
Xem thêm: