Dịch Covid-19 đã xâm nhập TP.HCM từ sau đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định những ca bệnh có thể đã len lỏi trong cộng đồng, chỉ được phát hiện thông qua khám sàng lọc tại các cơ sở y tế.

Sáng 14/6, báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết đánh giá lại tổng thể cho thấy mầm bệnh có thể đã xâm nhập vào thành phố từ sau đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Những ca nhiễm bệnh có thể đã len lỏi trong cộng đồng, chỉ được phát hiện thông qua hoạt động khám sàng lọc. Và có thể còn những ca bệnh chưa có triệu chứng trong cộng đồng, ít lây lan, và chưa được phát hiện hết.

“Phát hiện được các ca bệnh này là nhờ chúng ta tăng cường cảnh giác tại các cơ sở khám, chữa bệnh, nhưng cũng cho thấy các ca bệnh vẫn đang âm thầm trong cộng đồng, phát triển song song với chuỗi điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã được kiểm soát”, ông Bỉnh nói.

Đặc điểm chính của các chuỗi lây nhiễm

Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, sự xuất hiện liên tiếp hàng loạt các chuỗi lây nhiễm trong thời gian khoảng giữa tháng 5 cho thấy nhiều khả năng dịch xâm nhập vào thành phố đầu tháng 5, sau kỳ nghỉ lễ và lây lan âm thầm ít nhất 2-3 thế hệ.

Đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là biến chủng Ấn Độ (Delta) gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc (đặc biệt là tòa nhà văn phòng). Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lan tỏa rất nhanh, rộng tại thành phố.

Các ổ dịch cộng đồng lớn tại thành phố ghi nhận chủ yếu tại khu nhà trọ, cụm dân cư tại những quận, huyện vùng ven và khu vực nông thôn đô thị hóa. Nhiều bệnh nhân được ghi nhận làm việc trong các khu công nghiệp, là nhân viên y tế, nhân viên văn phòng.

Dịch Covid-19 đã xâm nhập TP.HCM từ sau đợt nghỉ lễ 30.4 và 1.5 - kinhtetrithuc.vn 1.jpg

Đặc biệt, chùm ca bệnh liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng bùng phát mạnh, lây lan nhanh trong thời gian qua do các yếu tố đặc thù:

– Phát tán, lây lan nhanh từ sinh hoạt tôn giáo tổ chức trong môi trường chật hẹp, tập trung nhiều người và tiếp xúc gần nhưng không có biện pháp phòng hộ cá nhân.

– Dịch bệnh lây truyền âm thầm trong thời gian dài, tiếp tục lây truyền qua nhiều chu kỳ và lây lan nhanh trong cộng đồng do nhiều ca bệnh làm việc trong văn phòng, tòa nhà công ty, là môi trường kín, thông khí kém, mật độ tập trung cao.

– Chủng virus gây bệnh là chủng Delta có đặc tính lây lan mạnh.

– Công tác điều tra dịch tễ để khoanh vùng dập dịch gặp khó khăn, kéo dài do số lượng thành viên hội giáo nhiều, khó tiếp xúc và khai báo chưa đầy đủ từ ban đầu; số lượng ca bệnh bị lây nhiễm nhiều và nhanh, trải rộng toàn bộ 22 quận, huyện, TP.

Ổ dịch lớn nhất cơ bản được kiểm soát

Trước tình hình dịch bùng phát mạnh trong cộng đồng, TP.HCM đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên toàn thành phố theo Chỉ thị 15, đặc biệt tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc quận 12 áp dụng theo Chỉ thị 16 và phong tỏa những khu vực ổ dịch.

Trong 4 ngày trước khi thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố (từ 27/5 đến hết 30/5), dịch bùng phát mạnh với 152 ca được phát hiện trong cộng đồng (trung bình 38 ca/ngày), đều thuộc điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng.

Trong một tuần đầu thực hiện giãn cách, số ca phát hiện có xu hướng giảm, chủ yếu là các bệnh nhân từ nhóm này. Từ 31/5 đến 13/6, 321 ca bệnh thuộc điểm nhóm truyền giáo tiếp tục được phát hiện (trung bình 5,75 ca/ngày). Trong đó, 95 ca phát hiện trong cộng đồng và 226 trường hợp đã cách ly tập trung hoặc trong khu phong tỏa.

Đối với khu vực sản xuất, chuỗi lây nhiễm liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục hưng phát hiện 4 ca bệnh là người làm việc trong 4 khu công nghiệp riêng biệt. Tuy nhiên, nhờ phát hiện sớm, xử lý dập dịch triệt để, đến nay chưa ghi nhận có lây lan dịch bệnh trong các khu công nghiệp.

Theo đánh giá của Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chuỗi lây nhiễm từ điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng cơ bản đã được kiểm soát.

Dịch Covid-19 đã xâm nhập TP.HCM từ sau đợt nghỉ lễ 30.4 và 1.5 - kinhtetrithuc.vn 1.jpg
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tuy nhiên, vào tuần thứ hai khi giãn cách (3/6-12/6), thành phố phát hiện thêm 310 ca thuộc các chuỗi lây nhiễm mới trong cộng đồng. Những trường hợp này được phát hiện thông qua khám sàng lọc tại bệnh viện. Sau đó, khi điều tra truy vết, thành phố phát hiện những chùm ca bệnh với số bệnh nhân lớn đã lây lan trong cộng đồng.

Do trong giai đoạn giãn cách xã hội, việc tiếp xúc trực tiếp đã được hạn chế đến mức thấp, các ca bệnh hầu như chỉ lây lan do sự tiếp xúc của những người trong cùng gia đình ổ dịch ở xưởng cơ khí Hóc Môn, chung cư Ehome, hộ dân ở Thủ Đức. Đó chính là điểm lợi của giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch.

Dù vậy, ông Nguyễn Tấn Bỉnh đề xuất thành phố tiếp tục điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch với các ổ dịch có dấu hiệu lây lan, kiểm soát chặt khu vực phong tỏa và cách ly. Đồng thời, tăng cường kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện và phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung.

Ông Bỉnh cũng đề xuất TP.HCM tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo các nội dung của Chỉ thị 15, kể cả quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12. Thời gian áp dụng trong 14 ngày, kể từ 15/6.

“Theo phân tích, mầm bệnh vẫn đang âm thầm trong cộng đồng, việc gỡ bỏ giãn cách sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh tiếp tục có cơ hội lớn để phát tán và lây lan. Thời gian 2 tuần bằng với thời kỳ ủ bệnh, do đó, áp dụng giãn cách trong khoảng thời gian này sẽ hạn chế khả năng lây nhiễm của virus SARS-CoV-2”, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM phân tích.

Theo Zing