Định danh rõ vị trí trong trường học đối với nhân viên y tế, tư vấn, nấu ăn
Kinhtetrithuc.vn – Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư hướng dẫn vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc.
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư hướng dẫn vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Thông tư có nhiều điểm mới, phù hợp với điều kiện thực tiễn vùng, miền và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Gỡ khó cho các trường
Ngoài vị trí việc làm của giáo viên, các thành viên khác trong cơ sở giáo dục mầm non, cô Phạm Thị Thúy Khanh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Trương Định (Hai Bà Trưng, Hà Nội) quan tâm đến vị trí nhân viên nấu ăn. Lâu nay, nhân viên nấu ăn làm việc theo hình thức hợp đồng lao động, không có định mức biên chế nên thu nhập rất thấp; trong khi công việc vất vả.
Cô Khanh viện dẫn, hiện nhân viên nấu ăn phục vụ các cháu 2 bữa ăn (trưa và buổi xế chiều). Tuy nhiên, công việc ở trường “luôn tay”. Thời gian gần như dành trọn vẹn ở trường nên không làm thêm được gì để tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống gia đình. “Công việc nhiều nhưng thu nhập không tương xứng; thực tiễn này khiến các trường mầm non công lập khó tuyển người nấu ăn bán trú cho trẻ”, cô Khanh phân trần.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Trương Định kỳ vọng, vị trí việc làm đối với nhân viên nấu ăn được quy định rõ tại Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT (Thông tư 19) là căn cứ quan trọng để các trường xây dựng bản mô tả vị trí việc làm cụ thể, phù hợp trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, vị trí này được “định danh” rõ ràng; từ đó có thể xây dựng chính sách tiền lương theo quy định, cô Khanh bày tỏ.
Tâm đắc với việc bổ sung 1 vị trí việc làm tư vấn học sinh trong trường phổ thông tại Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT (Thông tư 20), cô Hà Thị Thu – Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) nhấn mạnh, quy định nhằm thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến tư vấn học sinh trong trường phổ thông; đồng thời thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với công tác tư vấn tâm lý học đường.recommended byBẢO VIỆT AN GIABảo Việt An Gia: Bảo vệ cuộc sống trước mọi rủi ro chỉ từ 7k/ngàyQuyền lợi nội trú lên đến 454 triệu/năm, thủ tục đơn giản, nhanh chóngTHAM GIA NGAY
Lâu nay, những vấn đề nhức nhối về bạo lực học đường, bắt nạt trên mạng, học sinh bị rối nhiễu tâm lý dẫn tới hành vi lệch lạc, tiêu cực… rất cần có cán bộ tư vấn tâm lý học đường nhưng trong quy định không có vị trí việc làm này nên khó để các trường thực hiện. Nếu có chỉ là làm việc theo phương thức thỏa thuận và không “chính danh” nên vấn đề lương, phụ cấp, thu nhập không có cơ sở triển khai.
“Thông tư 20 quy định rõ vị trí việc làm tư vấn học sinh trong trường phổ thông sẽ “tháo gỡ” khó khăn cho các trường trong tuyển dụng, hợp đồng nhân sự vị trí này. Đây là điều chúng tôi mong mỏi từ lâu và nay được gỡ khó”, cô Thu bộc bạch.
Cơ sở trả lương thỏa đáng
Liên quan đến quy định về định mức số lượng người làm việc cấp mầm non, phổ thông được hướng dẫn tại Thông tư 19, 20, ông Lê Tuấn Tứ – nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa, đại biểu Quốc hội khóa XIV tán thành với nguyên tắc bảo đảm đủ số lượng người làm việc theo định mức để thực hiện công tác giảng dạy các môn học và hoạt động giáo dục; đồng thời thực hiện công việc chuyên môn dùng chung, hỗ trợ, phục vụ của cơ sở giáo dục.
Theo ông Lê Tuấn Tứ, những vị trí việc làm không đủ khối lượng công việc để thực hiện theo thời gian quy định thì bố trí nhiệm vụ kiêm nhiệm. Những vị trí việc làm chưa bố trí được biên chế thì hợp đồng lao động hoặc kiêm nhiệm. Người được bố trí kiêm nhiệm phải được đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
“Tôi đồng tình với Thông tư khi đề cập đến cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập đang bố trí số lượng viên chức giáo viên thấp hơn định mức tối đa (do biên chế được giao không đủ theo định mức tối đa) hoặc chưa tuyển dụng được, thì căn cứ định mức tối đa quy định tại Thông tư này để xác định số lượng giáo viên ký kết hợp đồng lao động”, ông Lê Tuấn Tứ nhấn mạnh.
Quy định trên là căn cứ để cơ sở giáo dục xác định số lượng hợp đồng lao động thực hiện theo quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ, đảm bảo đủ số lượng người làm việc để triển khai chương trình giáo dục, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhìn nhận. Qua nghiên cứu cho thấy, Thông tư 19, 20 đã hướng dẫn mô tả vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý, chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, vị trí việc làm chuyên môn dùng chung và hỗ trợ, phục vụ. Trên cơ sở đó, cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông xây dựng bản mô tả vị trí việc làm cụ thể, phù hợp từng vị trí việc làm của đơn vị và trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
“Xác định vị trí việc làm đòi hỏi phải rà soát và sắp xếp bộ máy gọn nhẹ, loại bỏ chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan đơn vị, bộ phận cũng như vị trí việc làm”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.
Theo đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), mỗi vị trí việc làm đòi hỏi người làm việc có trình độ và năng lực nhất định. Bản hướng dẫn mô tả vị trí việc làm trong Thông tư nhằm phân tích, mô tả vị trí, yêu cầu công việc và trách nhiệm từng vị trí được quy định một cách rõ ràng, cụ thể.
Từ đó, đánh giá năng lực làm việc của đội ngũ gắn liền với kết quả công việc. Đây là cơ sở vững chắc cho quá trình quy hoạch, bổ nhiệm và khen thưởng, có thể trả lương công bằng, thỏa đáng. Trên hết là tạo động lực làm việc, cống hiến của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trường học.
Cô Hà Thị Thu cho biết: Trường THCS & THPT Bá Thước đang nghiên cứu để xây dựng bản mô tả vị trí việc làm cụ thể với thành phần, nhóm nhiệm vụ theo hướng dẫn của Thông tư 20.