‘Hạn chế đến bệnh viện ở TP.HCM nếu chưa thực sự cần thiết’

Do không thể phân biệt bệnh nhân và người khỏe mạnh chỉ thông qua các biểu hiện bên ngoài, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng chúng ta cần chủ động hạn chế tiếp xúc.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết: “Thực sự bây giờ chúng ta không phân biệt được ai bị bệnh thông qua nhìn bên ngoài”.

Vị lãnh đạo này đánh giá trong 2 tuần qua, người dân cơ bản thực hiện tốt việc giãn cách nhưng vẫn còn sự tiếp xúc. “Chúng tôi tha thiết mong người dân tự hạn chế, chỉ tiếp xúc người trong nhà”, ông nhấn mạnh.

Đồng thời, lãnh đạo cơ quan này thông tin các địa điểm phong tỏa đều được cung cấp trên website. Người dân cần cập nhật các thông tin này để tự đánh giá nguy cơ của bản thân, có từng đến, tiếp xúc trường hợp nghi ngờ hay không, qua đó khai báo y tế.

Ông cũng yêu cầu người dân đảm bảo môi trường sống thông khí, hạn chế sử dụng điều hòa (nếu dùng cần để nhiệt độ 27 độ C trở lên).

Đồng thời, lãnh đạo Sở Y tế đề nghị người dân tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của chính quyền. Ông khuyến cáo: “Nếu chưa thực sự cần thiết, người dân nên hạn chế đến cơ sở y tế. Bởi điều đó là nguy cơ, ảnh hưởng việc phòng, chống dịch”.

Hạn chế đến bệnh viện ở TP.HCM nếu chưa thực sự cần thiết - kinhtetrithuc.vn

Liên quan vấn đề lây nhiễm trong cơ sở y tế, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho biết: “Khi dịch xuất hiện trong cộng đồng, người dân trước sau cũng đến cơ sở y tế. Do đó, việc xuất hiện ca nhiễm ở bệnh viện là điều Sở Y tế TP.HCM quan tâm tư những ngày đầu bùng phát dịch”.

Vị lãnh đạo này khẳng định ngay từ đầu, ngành y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám sàng lọc, phân luồng và đưa người nghi ngờ vào phòng cách ly tạm thời để test nhanh và xét nghiệm khẳng định để phát hiện sớm.

Ông đánh giá: “Trong thời gian qua, các cơ sở y tế làm rất tốt điều này. Tuy nhiên, sự việc xảy ra ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là bài học sâu sắc, từ nhân viên ở bệnh viện lây nhiễm cộng đồng và xâm nhập vào cơ sở y tế, sau đó lây nhiễm cho đồng nghiệp. Ngành y tế cũng rút kinh nghiệm sâu sắc qua các bài học này”.

Qua số liệu ban đầu, các nhân viên dương tính của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tập trung ở khối hành chính, hậu cầu chưa có sự lây nhiễm trong khu điều trị, nguồn lây nhiễm từ bên ngoài. Lãnh đạo Sở Y tế cho biết Bộ Y tế sẽ đánh giá và kết luận điều này để người dân yên tâm.

Có thể còn F0 trong cộng đồng chưa được phát hiện

Thông tin tại cuộc họp, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết hiện nay hầu hết chuỗi lây nhiễm liên quan điểm nhóm tôn giáo đã được ngành y tế xác định và đưa cách ly tập trung. Tuy nhiên, nhiều ca bệnh được phát hiện thông qua khám sàng lọc tại bệnh viện.

“Giả sử thành phố sơ suất, để bệnh nhân đi sâu vào trong lòng bệnh viện, điều này sẽ gây hậu quả như thế nào. Ngoài các trường hợp này, có thể vẫn còn trường hợp F0 lang thang ngoài cộng đồng, chưa được phát hiện do chưa có triệu chứng”, ông Dũng nhận định.

Hạn chế đến bệnh viện ở TP.HCM nếu chưa thực sự cần thiết - kinhtetrithuc.vn 2
Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 người dân tại Landmark 3, nơi sinh sống của 2 ca mắc Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

Sáng cùng ngày, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết đánh giá lại tổng thể cho thấy mầm bệnh có thể đã xâm nhập vào thành phố từ sau đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Sau đó, những ca nhiễm bệnh có thể đã len lỏi trong cộng đồng, chỉ được phát hiện thông qua hoạt động khám sàng lọc. Bên cạnh đó, có thể còn những ca bệnh chưa có triệu chứng trong cộng đồng, ít lây lan, và chưa được phát hiện hết.

“Phát hiện được các ca bệnh này là nhờ chúng ta tăng cường cảnh giác tại các cơ sở khám, chữa bệnh, nhưng cũng cho thấy các ca bệnh vẫn đang âm thầm trong cộng đồng, phát triển song song với chuỗi điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã được kiểm soát”, ông Bỉnh nói.

Theo Zing