Lựa chọn định hướng ngành Marketing sau khi ra trường

Nhiều bạn trẻ đứng trước ngưỡng cửa rộng lớn của ngành thường hoang mang vì không biết định hướng ngành Marketing như thế nào. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu được ít nhiều bức tranh tổng quan và đinh hướng cho sự nghiệp Marketing của mình.

Trong ngành Marketing, về cơ hội nghề nghiệp nhìn chung sẽ có hai hướng để dấn thân vào như sau:

  • Hướng làm trong Agency
  • Hướng làm trong Client/Startup

Để tìm hiểu các khía cạnh của Agency – Client, Marketing Review sẽ tóm tắt ngắn gọn từ những quan sát, câu chuyện mà mình đã nhìn, đã nghe được từ kinh nghiệm bản thân, cũng như từ bạn bè.

Phân biệt Client và Agency

Client – Cửa vào khó, cần tích lũy kinh nghiệm

Về với client, bạn làm chuyên sâu cho một sản phẩm; một lĩnh vực ngành nghề nhất định. Làm lâu năm thì trở thành master trong ngành đó; không có chỗ nào qua mắt được bạn. Ví dụ hôm nay đối thủ nó chơi chiêu gì; khách hàng phản ứng ra sao là biết hết. Bạn phải chịu trách nhiệm hết cả quy trình marketing cho một sản phẩm/dịch vụ từ lúc nó chào đời cho đến lúc nó “về hưu”. Và tất nhiên, bạn được quyền “chọn mặt gửi vàng” các agency để cùng họ xây dựng nên các chiến dịch hoành tráng để đời. Thật ra bạn “hành” agency là chính.

Lựa chọn định hướng ngành Marketing sau khi ra trường marketingreview.vn

Để được các client lựa chọn vào đội ngũ – nhất là vị trí Brand/Marketing Executive sẽ khó khăn hơn nhiều khi bạn gõ cửa các agency. Vì ít nhiều các client người ta thường hay đòi hỏi kinh nghiệm tối thiểu 2 năm. Điều này hoàn toàn hợp lý.

Vì chừng đó thời gian bạn mới thấu được cái sản phẩm, thị trường mà client đó đang kinh doanh. Chưa hết, chừng đó thời gian bạn mới đủ thời gian quan sát và thử nghiệm các chiến dịch marketing lên khách hàng mục tiêu của mình. Không dễ để hiểu được khách hàng trong 1 năm hay 6 tháng đâu. Thị trường càng cạnh tranh thì vị trí các client tuyển chọn càng khó.

Vì vậy, để bản thân có sự chuẩn bị sẵn sàng, đa phần các bạn mới ra trường sẽ được khuyên vào các agency để “tập dợt” trước.

Agency – “Con sen” thứ thiệt

Làm việc ở agency, bạn sẽ làm được nhiều dự án với nhiều client khác nhau trong lĩnh vực mà agency đó giỏi nhất. Ví dụ Ogilvy Vietnam rất mạnh ở mảng Sáng tạo; còn Nielsen chuyên môn về đo lường, nghiên cứu hành vi, thị trường. Có hàng trăm các agency khác nhau với đủ thứ chuyên môn, lĩnh vực, tha hồ lựa chọn.

Lựa chọn định hướng ngành Marketing sau khi ra trường marketingreview.vn 1

Chính vì làm với nhiều client khác nhau bạn sẽ “thấu” được nhiều “nỗi đau” của họ ở từng lĩnh vực; ngành hàng từ đó tích lũy được thêm kiến thức bao quát toàn thị trường; những “insight” ngành quý giá. Bạn được rèn luyện khả năng chịu đựng áp lực rất cao; học cách chiều lòng khách hàng của mình.

Rõ ràng, công việc này không dành cho người yếu tim, nhạy cảm.

Làm gì vị trí nào ở Agency?

Chức danh thì có rất nhiều, nếu các em muốn làm chuyên môn thì chọn các vị trí chuyên sâu như Media Executive; PR Executive; Content Writer; Copywriter;… Ngược lại, vị trí Account Executive lại thích hợp với các bạn thích sự năng động; hoạt bát; thích giao tiếp; trò chuyện với khách hàng và thích sales. Suy cho cùng thì chức danh Account đó, ngoài việc là cầu nối giữa khách hàng với các bộ phận trong công ty, còn có sales trong đó nữa.

Account sẽ bán gì cho khách? Bán các giải pháp mình đang có để giúp khách hàng đạt được các mục tiêu marketing.

Làm Account thì ít nhiều định hướng ngành Marketing của bạn ít nhiều sẽ rõ ràng; và nhanh hơn 1 chút so với các vị trí khác.

Lựa chọn định hướng ngành Marketing sau khi ra trường marketingreview.vn 2

Các vị trí tuyển dụng về ngành Marketing của các Agency, bạn có thể tìm ở đây: http://www.adjob.asia

Các vị trí thiên về client các em có thể tìm qua các trang tìm việc như Vietnamworks, Jobstreet, Indeed, hay CareerBuilder. Ngoài ra còn có LinkedIn và Facebook Group.

Facebook Group thì bạn tham khảo: https://www.facebook.com/groups/career.internship/

Startup – “tàu lượn siêu tốc

Đối với startup, thì quả thật là đầy khó khăn nhưng rất thú vị, dành cho ai ưa cảm giác mạnh. Không có gì là quá đáng khi nói như thế. Vì không ai có thể biết được là ngày mai startup này tồn tại trên thị trường hay không!

Việc của bạn và team chỉ duy nhất là tiến lên. Và quan trọng hơn hết, bạn sẽ phải kiêm nhiệm nhiều việc khi tham gia những startup trong những năm tháng đầu đời. Sẽ không có chỗ cho kẻ lười biếng. Sẽ không có chỗ cho người ích kỷ, hay hưởng thụ.

Nếu chỉ muốn nhận một công việc đều đều đến tháng lấy lương; chắc chắn startup không dành cho bạn.

Bắt đầu bằng nghề Sales

Ủa, đây là “Định hướng ngành Marketing” mà, liên quan gì tới Sales?! Nghe có vẻ lạc đề nhưng đây có thể là bước đầu quan trọng vói 1 số bạn. Bạn có thể skip bước này; hoặc đi thẳng vào các công việc trong ngành marketing.

Xuất phát cho ngành Sales có lẽ là dễ nhất vì mức độ cần thiết của ngành nghề này là 100%. Các em có thể tìm vị trí Nhân viên kinh doanh hay Nhân viên bán hàng ở bất kỳ đâu từ cửa hiệu cho đến trang web tìm việc hay mạng xã hội. Nghề sales dành cho tất cả mọi người, đương nhiên sẽ tốt hơn nếu bạn nào năng động; hoạt bát xíu chứ sales không phù hợp lắm cho các bạn hơi thụ động.

Về nghề này, chỉ cần các em chăm chỉ, chịu khó, dễ thương (chứ đừng thảo mai) với khách hàng là OK. Còn lại thì “nghề dạy nghề” từ từ rồi “lên cấp” thôi.

Tố chất quan trọng cho người làm marketing

Cái này nói nhiều cũng không hết nhưng ngắn gọn thì tố chất quan trọng nhất mà người làm marketing cần phải có và cần trau đồi đó là: khả năng quan sát; không ngừng đặt câu hỏi; suy nghĩ sáng tạo; đọc được các con số và dám thử những cái mới.

Bạn phải biết quan sát mọi thứ, từ cái nhỏ đến cái lớn. Ví dụ hôm nay ra đường bạn thấy “à, Grab nó đang có cái gì mới đằng sau yên xe kìa!”; “Ồ, có rất nhiều bảng quảng cáo ngay giữa ngã 6 Phù Đổng”; hay là bạn được hỏi câu “thêm 5K lên size lớn luôn không anh?”. Chính quan sát này mới dẫn đến những câu hỏi để khám phá bản chất của hiện tượng, hay hành vi mà em quan sát được.

Lựa chọn định hướng ngành Marketing sau khi ra trường marketingreview.vn 4

Hãy là luôn hỏi “Tại sao, tại sao, tại sao?”. Hỏi càng nhiều thì bạn sẽ vỡ ra được rất nhiều thông tin hay ho. Cái này rất cần cho các em thích làm trong ngành Nghiên cứu thị trường. Ví dụ đơn giản như sau: “Tại sao người ta lại đặt quảng cáo ở các giao lộ lớn mà không đặt ở các con đường nhỏ?”; “Tại sao cô nhân viên kia lại hỏi mình câu hỏi đó mà không phải câu hỏi khác?”; “Tại sao người ta lại thích lên Facebook để hỏi thông tin review sản phẩm mà không xem trên website?”; “Cái tên cửa hiệu này có dễ nhớ hay không? Tại sao nó lại đặt một cái tên dài như thế?”;…

Khi đã luyện tập được hai kỹ năng đó, bạn cần trau dồi thêm khả năng ra được các giải pháp sáng tạo. Bạn có để ý đến các mẫu quảng cáo của Durex không? Lên Facebook hay Google gõ vào “Quảng cáo Durex” để xem sao nhé. Rất sáng tạo phải không? Làm sao họ làm được như thế? Các em cũng có thể làm được như vậy đó. Thử xem sao!

Đừng quên những con số, báo cáo thị trường

Và cuối cùng, biết đọc các con số. Hàng năm các công ty nghiên cứu thị trường hay có những bản report về ngành nghề; lĩnh vực. Bạn cần đọc và hiểu nó.

Marketing là sự giao hòa giữa bán cầu não trái và phải. Nó không nghiêng hẳn về bên nào, cái phần nào cũng cần cả. Con số, tư duy logic để giải thích các hiện tượng là não trái, sự sáng tạo, ngẫu hứng để đưa ra các giải pháp là não phải. Vì vậy bạn cần tập luyện cả hai.

Đặc biệt với ngành Digital marketing thì việc đọc các con số là cực kỳ cần thiết, tối quan trọng. Hiểu được con số, bạn mới có thể tối thiểu chi phí và tối đa được lợi nhuận, đồng thời mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng của mình.

Các định hướng ngành Marketing tới đây hi vọng đã giải đáp các thắc mắc của bạn về nghề này. Chúc bạn may mắn với con đường Marketing của riêng mình!

Tổng hợp Marketing Admircro/Brandsvietnam/TopCV