Những lưu ý khi lái xe trên mặt đường đóng băng
Bình tĩnh là yêu cầu quan trọng nhất khi lái xe và xử lý tình huống trên đường đóng băng hoặc trơn trượt.
Những ngày gần đây, nhiều nơi ở vùng núi Bắc Bộ nhiệt độ giảm sâu, có nơi xuống dưới 0 độ C và xuất hiện tuyết phủ. Hiện tượng này được khá nhiều người thích thú vì tuyết phủ hiếm khi xảy ra tại Việt Nam.
Thế nhưng việc mặt đường bị đóng băng hay có lớp tuyết cũng gây ra khá nhiều khó khăn trong việc di chuyển. Nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra do các phương tiện bị mất kiểm soát khi di chuyển qua khu vực đường trơn trượt.
Khác với các quốc gia thường xuyên có tuyết rơi, hầu hết tài xế Việt vẫn chưa được trang bị kỹ năng để lái xe dưới điều kiện mặt đường có băng, tuyết. Vì vậy, người lái cần có những chuẩn bị kỹ càng cũng như đánh giá tình hình giao thông chính xác trước khi quyết định di chuyển trên cung đường đèo dốc, trơn trượt.
Dưới đây là những lưu ý khi điều khiển xe trên mặt đường trơn trượt hay đóng băng.
Lái xe chậm và giữ khoảng cách với phương tiện phía trước
Di chuyển tốc độ cao trên mặt đường trơn trượt, đóng băng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn do người lái không kịp xử lý khi gặp chướng ngại vật, hay xe bị mất kiểm soát. Di chuyển xe với tốc độ chậm và giữ khoảng cách an toàn với xe trước giúp người lái có thời gian để xử lý khi gặp tình huống bất ngờ.
Mặt đường trơn trượt sẽ khiến cho quãng đường phanh tăng lên đáng kể do độ bám giữa lốp và mặt đường bị giảm đi khá nhiều. Việc tăng khoảng cách với phương tiện phía trước sẽ giúp cho người lái có nhiều thời gian hơn để xử lý tình huống, đồng thời hạn chế được tình trạng đâm vào đuôi xe trước do quãng đường phanh bị tăng lên.
Bình tĩnh xử lý khi xe bị trượt
Lái xe trên đường trơn trượt chắc chắn sẽ không tránh khỏi tình trạng bánh xe bị trượt do mất ma sát với mặt đường khi chuyển hướng. Xe bị trượt có 2 dạng là thiếu lái (understeer) hoặc dư lái (oversteer), tình trạng thiếu lái thường gặp đối với xe cầu trước và dư lái thường xảy ra ở xe cầu sau.
Đối với tình trạng thiếu lái, người điều khiển xe cần giảm tốc để nhanh chóng khắc phục vấn đề. Trong khi đó, xử lý hiện tượng dư lái yêu cầu người điều khiển phải thực hiện động tác xoay vô lăng ngược với hướng đầu xe để lấy lại kiểm soát.
Tăng tốc, phanh và bẻ lái một cách từ tốn
Mặt đường trơn trượt khiến cho lực ma sát với lốp xe bị giảm đi đáng kể. Nếu người lái tăng tốc đột ngột, lốp xe sẽ bị mất độ bám và chỉ xoay tại chỗ. Khác với lái xe trên bề mặt khô ráo, việc phanh gấp trên mặt đường trơn trượt sẽ làm tăng quãng đường phanh, thậm chí là khiến xe bị xoay ngang.
Tóm lại, người lái khi thực hiện các động tác như nhấn ga, đạp phanh hay chuyển hướng trên mặt đường trơn trượt cần phải làm một cách chậm rãi, từ tốn. Điều này sẽ giúp cho lực ma sát giữa lốp và mặt đường được duy trí ở mức cao nhất có thể.
Tìm hiểu kỹ đoạn đường di chuyển
Hầu hết khu vực có tuyết rơi tại Việt Nam thường nằm trên cao, nếu muốn tham quan phải di chuyển qua các đoạn đường đèo dốc quanh co, khúc khuỷu. Việc tìm hiểu trước cung đường sẽ giúp người lái chủ động hơn và không bị bất ngờ khi gặp phải những đoạn đường khó khăn.
Trong suốt quá trình di chuyển ở đoạn đường lạ, người lái nên điều khiển xe chậm rãi để quan sát và kịp thời xử lý khi gặp tình huống xấu. Cố gắng lái xe theo vệt bánh xe đi trước để tăng thêm khả năng bám đường, tuy nhiên không nên chạy quá sát xe phía trước.
Trong trường hợp bắt buộc phải di chuyển ở đoạn đường đèo dốc bị đóng băng, người lái cần có những chuẩn bị tốt về lốp xe, phanh và hệ thống chiếu sáng.
Nếu chưa có quá nhiều kinh nghiệm di chuyển trên mặt đường trơn trượt, đóng băng hay chưa có nhiều thông tin về cung đường chuẩn bị di chuyển ở đồi núi có độ dốc lớn, người lái không nên quá mạo hiểm. Nếu có thể, người lái nên tìm cho mình một chỗ đỗ xe an toàn, không tiếp tục di chuyển cho đến khi mặt đường đã trở nên an toàn hơn.
Theo Zing