4 điểm khác biệt của đợt dịch Covid-19 đang bùng phát ở Việt Nam
Việt Nam đang phải đối mặt đợt dịch nghiêm trọng với số bệnh nhân mới tăng lên từng giờ. Chính phủ và Bộ Y tế đã đưa ra nhiều biện pháp mới để nhanh chóng dập dịch.
Từ 27/4 đến 6h ngày 3/6, Việt Nam ghi nhận 4.780 ca mắc Covid-19 trong đợt bùng phát thứ 4. Con số này chiếm 75% tổng số bệnh nhân của nước ta từ khi dịch bùng phát đến nay, cao gấp 8 lần đợt dịch ở Đà Nẵng và gấp 5 lần giai đoạn dịch tại Hải Dương.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay như đã dự báo trước đó, đợt dịch thứ 4 diễn ra rất phức tạp, khó kiểm soát. Dịch bệnh lan ra 38 tỉnh, thành phố.
Tốc độ lây lan nhanh nhất từ trước đến nay
Ngày 27/4, Việt Nam phát hiện ca mắc Covid-19 tại Yên Bái, chấm dứt 35 ngày không có bệnh nhân ngoài cộng đồng.
Hơn một tháng sau, tổng số ca mắc mới đã vượt ngưỡng 4.500 – đây là tốc độ lây lan nhanh nhất từ trước đến nay. Đỉnh điểm, chúng ta trải qua một ngày có số ca mắc lên tới 444 bệnh nhân – điều chưa từng ghi nhận trong những đợt bùng phát trước. Hai tuần trở lại đây, số bệnh nhân mới luôn ở ngưỡng 3 con số.
Hơn một tháng qua, chúng ta phải đối mặt liên tiếp nhiều diễn biến mới của đợt dịch, đặc biệt những nơi trọng yếu là bệnh viện, y bác sĩ cũng bị SARS-CoV-2 tấn công.
Đầu tiên, chúng ta đối mặt cùng lúc đa ổ dịch, đa nguồn lây. Lần đầu tiên, chỉ trong thời gian ngắn, nhiều tỉnh, thành phố cùng trở thành tâm dịch với số ca mắc tăng nhanh. Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, TP.HCM, là 6 ổ dịch đáng chú ý trong đợt này.
Ba nguồn lây của đợt dịch Covid-19 bùng phát này đến từ người nhập cảnh vi phạm quy định cách ly; khu công nghiệp và đặc biệt là những sự kiện siêu lây nhiễm chưa rõ nguồn lây. Trong đó, hai nguồn lây từ người nhập cảnh và khu công nghiệp đã cơ bản được kiểm soát.
Số ca mắc mới tại tâm dịch Bắc Giang đều được phát hiện trong khu cách ly, vùng đã được phong tỏa. GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, dự báo lượng F0 ở Bắc Giang sẽ tiếp tục giảm sâu trong lần lấy mẫu thứ 3.
Bên cạnh đó, hai chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây ở TP.HCM khiến thành phố bước vào đợt dịch “nghiêm trọng nhất từ trước tới nay”. Từ 0h ngày 31/5, toàn thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15+, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày.
Các ổ dịch tại TP.HCM được phát hiện từ ngày 18/5, gồm chùm ca bệnh lây nhiễm trong công ty ở quận 3, gia đình bán bánh canh ở hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu và nhóm tôn giáo ở quận Gò Vấp. Tính đến ngày 2/6, chùm lây nhiễm của nhóm tôn giáo đã lên tới 233 bệnh nhân Covid-19, lan ra 6 tỉnh phía Nam.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định đợt bùng phát dịch liên quan nhóm tôn giáo tại TP.HCM đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm. Đây là ổ dịch có mức độ nguy hiểm nhất, khó kiểm soát so với các đợt bùng phát từ trước đến nay tại TP.HCM. Đến nay, nguồn lây của ổ dịch này vẫn đang được điều tra.
Điểm khác biệt thứ hai trong làn sóng Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam đó là “thành trì y tế” bị chọc thủng. Chúng ta từng chứng kiến Covid-19 tấn công các Bệnh viện tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, ở lần này, hai bệnh viện quan trọng tuyến trung ương đều có dịch. Đó là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 lớn nhất miền Bắc) và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (nơi điều trị cho nhiều ca bệnh hiểm nghèo, ung thư).
Các nhân viên y tế phải cùng lúc dập dịch bên trong, ngăn dịch bên ngoài cộng đồng tràn vào nơi xung yếu. Tổng số bệnh nhân liên quan hai ổ dịch này là hơn 500 người. Sau nhiều nỗ lực, theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, chùm ca bệnh này đã cơ bản được kiểm soát.
Điểm khác biệt thứ 3 và cũng là nguyên nhân chính khiến chúng ta phải đối mặt đợt dịch nghiêm trọng đó là sự xuất hiện của biến chủng mới B.1.617 (từ Ấn Độ). Cùng với chủng B.1.1.7 (từ Anh), hai biến chủng virus có khả năng lây lan trong không khí, chu kỳ lây nhiễm rút ngắn xuống chỉ còn 1-2 ngày.
Ngoài ra, 4 mẫu bệnh phẩm tại Việt Nam đã xuất hiện hiện tượng đột biến gene trên biến chủng B.1.617. Đây là vấn đề đang được nghiên cứu thêm.
Điểm khác biệt thứ 4 đó là bệnh nhân trong đợt dịch Covid-19 bùng phát này có nhiều người trẻ tuổi, không mắc bệnh nền nhưng diễn biến nặng rất nhanh. Điển hình là nam sinh 22 tuổi ở Long An, không thuộc nhóm nguy cơ cao nhưng rơi vào nguy kịch, tổn thương phổi rất nặng chỉ sau một ngày phát hiện mắc Covid-19. Các ca mắc Covid-19 tại Bắc Giang cũng chuyển biến xấu nhanh. Theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, người đang chi viện Bắc Giang, nhiều bệnh nhân chỉ vài ngày sau chụp X-quang, phổi đã trắng xóa.
Bên cạnh đó, từ 27/4 đến 2/6, Việt Nam có 14 ca tử vong. Trong đó, trẻ nhất là nữ sinh 22 tuổi. Đặc biệt, nữ công nhân 38 tuổi ở Bắc Giang, không có bệnh nền đã tử vong.
Nhiều biện pháp mới trong chiến lược chống dịch
Đứng trước tình huống nghiêm trọng của đợt dịch Covid-19 bùng phát mới, Việt Nam đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt với mục tiêu cao nhất là đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chúng ta kiểm soát đợt bùng phát lần này bằng cách tiếp cận mới: “Chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất”. Nghĩa là phải xét nghiệm chủ động, tích cực hơn nữa, huy động mọi nguồn lực hợp pháp để tập trung cho công tác rất quan trọng này, từ đó phát hiện sớm ca bệnh. Đồng thời, phải ứng dụng công nghệ phục vụ truy vết.
Chiến lược phòng, chống dịch xuyên suốt của Việt Nam là “5K + vaccine”. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: “Chỉ có vaccine Covid-19 mới đưa được cuộc sống trở lại bình thường”. Do đó, Chính phủ và Bộ Y tế tích cực tiếp cận nhiều nguồn cung ứng, đảm bảo nguồn tài chính vững bền cho vaccine Covid-19. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19.”5K + vaccine” là chiến lược xuyên suốt của Việt Nam khi chống dịch. Ảnh: Hoàng Hiệp.
Ngoài ra, để nhanh chóng dập dịch tại các khu công nghiệp, Bộ Y tế ưu tiên tiêm chủng vaccine cho công nhân tại Bắc Giang, Bắc Ninh. số lượng phân bổ là 150.000 liều mỗi tỉnh.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, tình trạng khan hiếm vaccine trên thế giới vẫn căng thẳng nhưng với các thỏa thuận đã đạt được, mục tiêu nhập khẩu 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021 vẫn rất khả thi.
Cùng với đó, trong đợt bùng phát này, Bộ Y tế thay đổi về chiến lược xét nghiệm. Đó là khuyến khích xét nghiệm tầm soát trên diện rộng. Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, trước đây, chúng ta chỉ sử dụng phương pháp duy nhất là rRT-PCR. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Y tế cấp phép thêm cho sinh phẩm kháng nguyên nhanh (test nhanh).
Ông Long nhận định: “Chiến lược xét nghiệm mới đã thay đổi cách thức tiếp cận, cách làm, huy động tổng lực xã hội trong vấn đề nâng cao xét nghiệm sàng lọc để đảm bảo an toàn cho sản xuất”.
Với quan điểm này, Bộ Y tế đã thí điểm ở Bắc Giang, Bắc Ninh hai biện pháp mới là F1 tự cách ly tại nhà và người dân tự lấy mẫu xét nghiệm. Điều này xuất phát từ thực trạng số F1 tại hai tỉnh lên tới 50.000 người, không có đủ chỗ cách ly tập trung.
Đặc biệt, Bộ Y tế vừa ban hành thang đánh giá nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 lần này theo 4 mức độ. Đây là lần đầu tiên biện pháp này đi vào hoạt động, dựa trên Chỉ thị 15, 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ. Điểm mới của quy định này là bản đồ chống dịch – được hình thành dựa trên các dữ liệu bắt buộc phải cập nhật từ cấp xã trở lên và dữ liệu được tập hợp từ nguồn có sẵn.
4 mức độ nguy cơ được thể hiện tới cấp xã trên bản đồ chống dịch tương ứng với các màu sắc: Nguy cơ rất cao (màu đỏ); nguy cơ cao (màu cam); nguy cơ (màu vàng); bình thường mới (màu xanh). Đặc biệt, địa phương có quyền bổ sung, áp dụng biện pháp có thể ở mức độ cao hơn, cần thiết tùy theo tình hình dịch, đặc thù phát triển kinh tế tại địa phương.
Việt Nam đang nỗ lực mọi cách, trên nhiều mặt trận để nhanh chóng dập dịch Covid-19. Chúng ta đang đối mặt khó khăn lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, để bảo vệ công sức chống dịch trong suốt thời gian qua, ý thức và sự hợp tác của người dân là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Theo Zing