Luồng vốn xanh đang chờ ở biên giới Việt Nam: ‘Chưa bao giờ nhiều đến thế’

Phunuduongthoi.vn – Bà Phạm Thị Ngọc Thủy – Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, chưa bao giờ dòng vốn xanh lại “chờ” ở biên giới Việt Nam nhiều đến thế và nếu doanh nghiệp Việt không thể đáp ứng thì sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Tín dụng xanh thiếu khung pháp lý

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy: “chuyển đổi xanh” đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Một doanh nghiệp (DN) thành công không chỉ tạo ra nhiều lợi nhuận mà còn phải chú trọng tới các yếu tố E- môi trường, S- xã hội, và G- quản trị doanh nghiệp.

Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Giám đốc Ban IV.

Vưa qua, Ban IV đã khảo sát 10 nhà máy lớn và vừa về dòng vốn sử dụng cho quá trình chuyển đổi. Họ đều cho biết dùng vốn tự có của DN. Tổng vốn xanh đến cuối 2023 chiếm dư nợ không quá 4%, một con số rất khiêm tốn. Điều đó cho thấy dòng vốn tín dụng xanh rất quan trọng đang thiếu khung pháp lý.

“Chúng ta đang thiếu khái niệm thế nào là xanh. Thậm chí DN cho rằng xanh nhưng ngân hàng từ chối”, bà Thủy nêu.

Các chuyên gia khi nói về tài chính xanh nói rằng, chưa bao giờ dòng vốn tín dụng xanh dừng ở biên giới Việt Nam nhiều đến thế. Tuy nhiên, vấn đề còn là việc chờ đợi khung pháp lý. Dù vậy, doanh nghiệp không nên chờ đến khi pháp lý đầy đủ, mà cần có sự chuẩn bị, thậm chí đi trước một bước để chuyển đổi.

Về phía doanh nghiệp, bà Thuỷ cho rằng, DN Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu hay xuất khẩu, đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng việc áp dụng thực hành ESG để không bị tụt hậu hay bị loại khỏi “cuộc chơi””, bà Thuỷ nói.

Theo bà Thủy, trật tự thế giới mới gắn với năng lực số, năng lực xanh đang dần hình thành. Quốc gia nào chậm chân sẽ bị ảnh hưởng. Nhiều quốc gia đối tác quan trọng với Việt Nam đã ban hành các quy định về phát triển vền vững và thực hành ESG, ví dụ CBAM, EUDR của châu Âu hay dự luật Cạnh tranh sạch của Mỹ.

Nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi

Bà Thuỷ kể: “Có doanh nghiệp cho biết, họ xuất khẩu trên 60 quốc gia và hiện nay những đòi hỏi về ESG của họ ngày càng cao. Nếu doanh nghiệp không đáp ứng được thì sẽ bị loại khỏi cuộc chơi, dù trước đây 2 bên có thân tình thế nào”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy nêu.

Ví dụ, quy định mới của châu Âu về carbon, ngành thép nếu không thay đổi có thể chịu ảnh hưởng lớn khi 1 tấn thép có thể gánh tới gần 100 USD thuế, phí môi trường. Đây là áp lực rất lớn với DN. 

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã có nhiều cam kết trong phát triển bền vững và chuyển đổi xanh.

“Nếu doanh nghiệp Việt cứ bàng quan thì sẽ không thể bơi ra quốc tế, không thể đi vào được các thị trường khó tính ở nước ngoài. Nếu chúng ta không có sự chuyển động, thực hành ESG để phù hợp với diễn biến quốc tế thì nhiều cơ hội của DN sẽ bị đóng cửa”, bà Thủy nói.

Nếu không thể đáp ứng, doanh nghiệp sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Tuy nhiên, bên cạnh thách thức thì đây còn là động lực với các DN Việt khi ESG giúp tăng lợi nhuận, tăng doanh thu vì chuyển đổi sang một nền kinh tế carbon thấp, tích hợp các tiêu chí bền vững; chi phí gọi vốn thấp hơn khi các công cụ nợ có tích hợp yếu tố bền vững đang phát triển mạnh mẽ; tạo ra môi trường làm việc có mục tiêu, cải thiện sự gắn kết của nhân viên…

Khuyến nghị cho các doanh nghiệp, bà Thủy cho rằng với ESG, nên lấy “E” làm trọng tâm vì đó là áp lực; “S” và “G” là giá trị gia tăng – động lực; kết hợp ESG để tối ưu cơ hội, “tối thiểu” thách thức…

“Các doanh nghiệp bày tỏ đôi khi hơi “tẩu hỏa nhập ma” vì quá nhiều yếu tố, nào là xanh, bền vững… Tuy nhiên, đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp biến trách nhiệm tuân thủ trở thành lợi thế cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp”, bà Thủy nêu.

Ông Bùi Thanh Minh, Trưởng khối Nghiên cứu và đối thoại chính sách (Văn phòng Ban IV) cho hay, Việt Nam đang ở thời kỳ chuyển tiếp từ khuyến khích sang bắt buộc các tiêu chí xanh, bền vững. Do đó, nước không chỉ đến chân, mà đã tới cổ, chúng ta phải hành động ngay từ bây giờ”.

Việt Nam có 2 mục tiêu lớn là đến năm 2045 trở thành nước thu nhập cao và 2050 đạt Net-Zero. Trong khi đó, nội lực Việt Nam còn hạn chế và thâm dụng lao đông, tài nguyên còn nhiều. Do đó, đây là một thách thức không nhỏ và một trong những vướng mắc các doanh nghiệp quan tâm là vốn.

Ông Bùi Quang Duy, Phó giám đốc đầu tư toàn cầu, Bộ phận tài chính khí hậu, Quỹ respons Ability Investments AG (Thụy Sĩ) cho biết trong xu thế xanh hóa, lãnh đạo cấp cao hiểu và tích cực về vấn đề xanh, phát triển xanh bền vững là rất tốt và sẽ định hướng được đầu tư vào đâu trong chiến lược dài hạn. Tuy nhiên, để đầu tư vào chuyển đổi xanh, bền vững cần một khoản đầu tư lớn, tốn kém do vậy cần có tầm nhìn dài hạn đầu tư vào máy móc thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng…

Theo ông Duy, những khoản đầu tư lớn như vậy doanh nghiệp không thể đi một mình, mà cần phải có hệ sinh thái. Theo đó, quỹ hiện đang có xu hướng đầu tư vào chuyển đổi xanh, xuất khẩu bền vững.

“Do vậy, quỹ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp những gói hỗ trợ kỹ thuật và khoản viện trợ đầu tư dài hạn. Phát triển xanh bền vững và tài chính xanh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi hiệu quả, đó là sự cộng hưởng của doanh nghiệp, hệ thống tài chính, ngân hàng trong việc đầu tư, hợp tác đưa nguồn vốn xanh đi vào thực tế”, ông Duy nhấn mạnh.

Theo vietnamfinance.vn

Xem thêm: