Thị trường bất động sản đã thoát khỏi nguy cơ “mất phanh”

Kinhtetrithuc.vn – Những nỗ lực từ Chính phủ, các bộ ngành, hệ thống ngân hàng, bản thân doanh nghiệp bất động sản đã góp phần tích cực nhằm “giữ” thị trường thoát khỏi nguy cơ “mất phanh”.

Ông Trần Văn Bình (đứng) – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam phát biểu tại sự kiện.

Chiều ngày 12/10, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) công bố Báo cáo đánh giá tiến trình phục hồi thị trường bất động sản Việt Nam quý III/2023 và Dự báo tình hình thị trường quý IV/2023.

Ông Trần Văn Bình – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, các cơ chế, chính sách thúc đẩy cho thị trường bất động sản đã bắt đầu có dấu hiệu được thẩm thấu. Lượng giao dịch trên toàn thị trường tăng dần theo thời gian. Tổng giao dịch quý I,II, III lần lượt là 2.700, 3.700 và 6.000 giao dịch.

“Bắt đầu xuất hiện nhiều điểm sáng hơn trong bức tranh tổng thể của thị trường. Đó là những địa phương có kinh tế phát triển, được quan tâm, chú trọng thúc đẩy đầu tư hạ tầng, giao thông, có nhiều nguồn cung phù hợp với nhu cầu như Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh”, ông Bình chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương tích cực vào cuộc, chung tay gỡ rối cùng doanh nghiệp bất động sản như Hà Nội, Hải Dương, Đồng Nai… đây cũng là một tín hiệu đáng mừng và đáng ghi nhận.

Theo bà Phạm Thị Miền – Phó Trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn, xúc tiến đầu tư, thực trạng sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản đã có dấu hiệu được cải thiện. Tuy nhiên chưa phải hoàn toàn và trên diện rộng.

Cụ thể, số lượng doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động, tuyển dụng ghi nhận tăng ở một số địa phương có thị trường bất động sản phục hồi tốt. Tính đến cuối tháng 8, có 1.721 doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2022.

9 tháng trong năm 2023, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực bất động sản gấp 3,5 lần số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thế với 3.394 doanh nghiệp nhưng vẫn giảm tới 52,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, mỗi tháng vẫn có khoảng 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường. Riêng với các sàn giao dịch bất động sản: 20% sàn tiếp tục đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, phải cố gắng cầm cự, “sống bằng niềm tin” thị trường bất động sản sẽ khôi phục vào cuối năm 2023.

Doanh nghiệp bất động sản còn hoạt động, tiếp tục gặp khó khăn về nguồn vốn do không bán được hàng, không huy động được nguồn vốn trả trước của khách hàng, cũng không huy động được nguồn vốn từ các kênh tài chính quen thuộc: trái phiếu, tín dụng ngân hàng…

Ông Trần Văn Bình cho hay, bất động sản công nghiệp vẫn tiếp tục duy trì sự hấp dẫn khi thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thị trường ghi nhận sự quan tâm mới của một số nhà đầu tư đến từ Mỹ.

Bất động sản nghỉ dưỡng chưa có cơ hội “trở mình” do Nghị định 10/2023/NĐ-CP chưa phát huy được nhiều tác dụng. Mới chỉ ghi nhận động thái từ Khánh Hòa với việc ban hành quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu condotel trên đất thương mại, dịch vụ.

Hoạt động M&A vẫn duy trì được sự quan tâm. Một số chủ đầu tư thay vì nhu cầu chuyển nhượng toàn bộ dự án đã cố gắng theo đuổi bằng cách kêu gọi các nhà đầu tư cùng góp vốn thực hiện dự án.

Nhiều dự án đầu tư công được triển khai, đặc biệt là các dự án về hạ tầng giao thông tại một số địa phương như Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Cần Thơ……… Trong tương lai không xa sẽ trở thành bệ phóng giup thị trường bất động sản khu vực phát triển một cách chất lượng và bền vững.

Theo bà Miền, niềm tin vào thị trường của khách hàng và nhà đầu tư ngày càng được củng cố. Nhiều nhà đầu tư của một số dự án quyết tâm “ôm hàng” dù được phép trả lại cọc và khoản lãi phát sinh do dự án đến thời hạn cam kết mua lại.

Thị trường bắt đầu xuất hiện các nhóm nhà đầu tư sẵn sàng nhập cuộc “săn bất động sản giá hời” để chuẩn bị bước vào chu kỳ tăng trưởng mới trong thời gian tới.

Đây là khoảng thời gian hết sức quan trọng, mang tính quyết định cho sự “chuyển mình” của thị trường bất động sản. Cùng với các nút thắt về pháp lý, nguồn vốn, thì “niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư” chính là “chốt chặn cuối cùng” cần giải tỏa để thị trường bất động sản thực sự trở về “trạng thái bình thường mới”.

Ông Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam dự báo, nguồn cung bất động sản mới có xu hướng tăng nhẹ, nhiều dự án vướng mắc ở khâu pháp lý cuối cùng được tháo gỡ. Tình hình thị trường khả quan hơn, bất động sản cũng sẽ mở bán lại các sản phẩm đã tạm dừng, đóng giỏ hàng trước đó.

Thị trường sẽ chứng kiến sự “góp mặt” của một số “cánh chim đầu đàn” trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá hợp lý hơn.

Tuy nhiên, ông Đính cho rằng, trong ngắn hạn nguồn cung vẫn chưa thể có sự “đột phá”, do các dự án cần một khoảng thời gian tương đối để có thể triển khai, đủ điều kiện mở bán.

Theo Thời báo ngân hàng

Xem thêm: